Miền Tây khô cằn trong hạn mặn khốc liệt nhất 100 năm

Thứ sáu, 18/03/2016, 16:50
Để giảm bớt thiệt hại vì hạn, mặn kỷ lục 100 năm qua, nông dân Tiền Giang phải bơm nước ngày, đêm cứu lúa. Việc thiếu nước sinh hoạt cũng làm cho cuộc sống nơi đây thêm khổ cực.
Cũng như những địa phương khác ở đồng bằng sông Cửu Long, năm nay xâm nhập mặn tại Tiền Giang diễn ra sớm hơn, gay gắt hơn, gây thiệt hại hàng ngàn ha lúa đông - xuân. Tại huyện Gò Công Đông, nhiều xã bị thiệt hại nặng, nông dân phải gặt lúa chết hẻo do bị hạn, mặn, khiến năng suất giảm 70-80%.
Trên các cánh đồng, hệ thống mương dẫn nước khô nứt nẻ, những ruộng lúa chết héo khô chỉ còn ít bông. Ông Nguyễn Văn Dũng (ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) tiếc đứt ruột khi lúa chỉ được ít bông, toàn hạt lép. Gia đình ông bị thiệt hại hơn 10 triệu đồng. "Bỏ công chăm sóc, bơm nước từ khi mới cấy đến khi các con kênh bị xâm nhập mặn, hết nước dần nhưng cũng không cứu được", ông Dũng ngán ngẩm.
Theo UBND xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, xã có 389ha lúa của 527 hộ bị thiệt hại từ 30-100%. Hơn 100ha hoa màu bị ảnh hưởng.
Ở hầu hết các con kênh như kênh Salisette, Tân Hòa, Trần Văn Dỗng... nước cạn đến tận đáy, ghe thuyền nằm phơi trên mặt bùn khô nhiều tháng nay.
Một số con kênh, rạch nhỏ hơn khô trơ đáy, chỉ còn bùn.
Ngoài các cống chống xâm nhập mặn ở gần cửa biển, trong các con kênh người dân cũng dựng thêm lớp kè để không cho nước mặn tấn công.
Dọc các con kênh thuộc các xã Tân Triều, Phước Trung, Tân Điền, Tân Thành... người dân đặt hàng trăm máy bơm nước, cố bơm nước lên các cánh đồng để cứu lúa đang trong thời kỳ chín.
Theo người dân nơi đây, những kênh này lâu nay không còn nước để bơm. Khoảng gần một tuần nay kênh lớn từ Gò Công bơm nước vào nên mới có nước để bơm chuyền lên các con rạch rồi đưa ra những ruộng lúa.
Anh Nguyễn Hoài Phong (ấp Rạch Bùng, xã Tân Điền), cho biết bất kỳ ngày hay đêm, khi kênh lớn bơm nước vào kênh Trần Văn Dỗng thì hàng trăm máy bơm sẽ cùng hoạt động để lấy nước.
Vừa được ít nước, các con kênh này còn bị bèo bủa vây nên các nông dân phải vớt bèo để khai thông dòng chảy. "Năm nay chúng tôi hầu như phải bơm nước từ lúc cấy cho đến khi lúa chín. Chi phí bơm nước sẽ được hỗ trợ nhưng để có một tấn lúa thì phải đầu tư quá lớn", anh Phong cho hay.
Suốt dọc các kênh là những con rạch được đắp kè, những vòi nước lớn được đẩy chuyền lên phía trên.
Một đoạn kênh ngắn nhưng có đến hơn chục chiếc máy bơm cũ kỹ.
Tuy nhiên, một số đoạn các máy bơm phải ngưng hoạt động vì không đủ nước để bơm
Thiếu nước do nhiều tháng không mưa cũng khiến cho người dân nơi đây gặp vô vàn khó khăn khi họ phải bơm nước kênh lên để sinh hoạt. Trong ảnh: Bể nước mưa đã hết từ lâu, kênh cũng cạn trơ đáy nên ông Trần Văn Một (ấp Bắc 1, xã Tân Điền) phải khai sâu chỗ bùn để bơm nước lên bể. Để dùng được nước kênh, gia đình ông phải lọc lại, dùng thuốc xử lý để dùng.
Gia đình anh Nguyễn Phương Khanh cũng trong cảnh tương tự khi phải dùng nước kênh lắng lại trong bể để rửa bát, sinh hoạt.
Kênh Trần Văn Dỗng nhận được nước từ kênh lớn nên những người phụ nữ hai bên kênh tranh thủ đem đồ ra giữa đáy kênh để giặt. Bình thường con kênh này trơ đáy họ phải đào sâu xuống, cho lắng nước rồi bơm lên bể lắng tiếp.
Không còn nước để ăn uống, các hộ dân ở ấp Bắc 1, xã Tân Điền cùng nhau góp tiền mua ống nước, đồng hồ để mua nước ở khu vực khác về dùng. "Chưa năm nào nơi đây lại thiếu nước trầm trọng như thế này, cuộc sống thêm héo hon, khó khăn. Tuy chưa biết giá nước bao nhiêu nhưng cũng phải làm chứ không chết khát mất", một người dân nơi đây than thở.
Trên cánh đồng thuộc ấp Tân Phú, xã Tân Thành, anh Trần Xuân Toàn dùng máy bơm bơm nước dưới một con kênh còn ít nước lên ruộng vừa để đàn vịt hơn 500 con sục tìm lúa vừa tắm mát cho chúng.

Để đối phó với tình trạng hạn, xâm nhập mặt, thời gian qua huyện Gò Công Đông đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp ngăn mặn, giữ ngọt, tổ chức 252 điểm bơm chuyền cứu lúa, mở 85 vòi nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, giảm thiểu được thiệt hại...

Theo Zing

Các tin cũ hơn