Cá chết, cá nghi nhiễm độc được các cơ sở kinh doanh thu mua cuối cùng lại bán cho thương lái Trung Quốc. |
Thương lái Trung Quốc đứng sau doanh nghiệp Việt?
Sau 2 ngày bám bãi biển, về các thôn của xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, cố gắng tìm gặp những người đã trực tiếp vớt cá dạt vào bờ bán cho thương lái, PV tìm ra một đầu mối thu gom cá nghi nhiễm độc là Công ty TNHH TMTH Phước Sang.
Tìm hiểu được biết, Công ty Phước Sang có trụ sở ở Thôn Thượng Đức, Xã Đức Trạch, Huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đơn vị này được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh tháng 12/2009. Ngành nghề được cấp phép là bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống. Người đại diện pháp luật là bà Hoàng Thị Hương, Giám đốc.
Từ số điện thoại được ông Nguyễn Khánh Thành – Chủ kho hàng của công ty cung cấp, PV đã liên lạc với bà Hương. Bà Hương cho biết: "Từ bữa chính quyền đến lập biên bản, chúng tôi chỉ nhập và xuất hàng khơi, không còn nhập hàng bờ (hải sản gần bờ) nữa".
Cũng theo bà Hương, công ty Phước Sang đã có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực thủy hải sản. Đầu mối lấy hàng chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và đưa đi Móng Cái (Quảng Ninh) bán cho các thương lái Trung Quốc.
“Lúc chưa sao (chính quyền chưa vào cuộc – PV) mỗi ngày xuất khoảng năm ba chục tấn, tùy theo cá. Nhưng giờ khó khăn lắm, không cho xuất hàng, mấy chục con người ngồi chơi cả. Tàu bè đầu tư không biết tính toán sao đây. Họ ra ngoài khơi đánh bắt cá rồi đưa về cho mình, giờ mình không mua thì tội cho họ. Thiệt hại mỗi ngày tầm 20 triệu đồng” – Bà Hương cho biết.
Khi PV hỏi tại sao cá chết hàng loạt, cá nghi nhiễm độc mà DN vẫn tiến hành thu mua? Liệu có phải do phía Trung Quốc đề nghị? – thì bà Hương không trả lời và tắt máy.
Người dân địa phương xác nhận những chiếc thuyền nhỏ không có lưới, chỉ dùng vợt vớt cá cũng tích cực thu gom cá nghi nhiễm độc, cá dạt vào bờ những ngày qua |
Trước đó chính ông Thành – Chủ kho hàng của công ty này đã cho phóng viên hay: "Toàn bộ số cá đơn vị thu mua sẽ được chở đi nơi khác. Cá tạp, cá nhỏ thì đưa vào miền Nam nhập cho nhà máy làm thức ăn gia súc. Còn lại hải sản, cá biển thì chúng tôi đưa ra Móng Cái xuất sang Trung Quốc".
Chính quyền không thể chứng minh "cá nhiễm độc chết"?!
Trước sự thực hàng chục tấn cá nhiễm độc đã được thu mua và chuyển tới các nơi chế biến mà phía chính quyền không có biện pháp ngăn chặn chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lào – Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch.
Ông Lào cho biết: "Sau khi nhận được công văn chỉ đạo của cấp trên, đã rất quyết liệt chỉ đạo các lực lượng chức năng của xã phối hợp với huyện lập tức xuống cơ sở yêu cầu các cơ sở thu mua thủy hải sản dừng thu mua cá tôm nghi nhiễm độc và cả các loại hải sản gần bờ. Về những sản phẩm họ đã thu mua chúng tôi không thể thu giữ hoặc yêu cầu tiêu hủy vì đó là tài sản của họ, chúng tôi không đủ cơ sở chứng minh số cá đó là cá nhiễm độc chết".
Ông Phan Văn Đức - cán bộ môi trường xã Thanh Trạch cho phóng viên biết: "Chúng tôi không thể làm gì được, bởi cá của họ có thể nhiễm độc nhưng vẫn sống lờ đờ hoặc đang mắc lưới. Trong khi văn bản chỉ đạo của tỉnh lại chung chung, chỉ cấm buôn bán cá chết, nghiêm cấm người dân sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức...".
Không có khách du lịch, bãi biển Đá Nhảy (Quảng Bình) vài ngày trước chỉ có người dân địa phương đổ xô đi vớt cá dạt vào bờ bán cho thương lái (ảnh nguồn Facebook) |
Không thể làm gì vì ngày 26/4 mới nhận được văn bản
Ông Nguyễn Cẩm Lâm – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bố Trạch, đơn vị được giao chủ trì công tác xử lý các vấn đề liên quan đến cá nhiễm độc chết ở địa bàn, cũng thừa nhận không thể làm gì trước thực trạng này. Ông Lâm cho biết: Công văn của tỉnh mới nhận được từ ngày hôm qua (26/4), những ngày trước đó thì chưa thể kiểm soát được.
“Sau khi nhận được công văn, chúng tôi đã phối hợp với công an huyện, chính quyền các xã đi tới từng cơ sở lớn yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết không thu mua cá chết, cá nhiễm độc gần bờ. Các cơ sở thu mua nhỏ lẻ thì giao công an xã trực tiếp kiểm soát việc thu mua” – ông Lâm cho biết thêm.
Về việc hàng chục tấn cá nghi nhiễm độc, cá chết tuồn ra thị trường ngay trước mắt lực lượng chức năng, ông Lâm tái khẳng định: “Mình sao mà kiểm soát được, lúc đó đã có văn bản đâu”.
Như vậy, chỉ riêng ở Bố Trạch, Quảng Bình, hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn cá nghi nhiễm độc đã được đưa ra thị trường một cách công khai. Chính quyền tỉnh Quảng Bình tiếp tục cho thấy sự thiếu quyết liệt, chậm trễ trong công tác ngăn chặn nguồn cá độc hại tuồn ra thị trường. Mà một trong những nguyên nhân được cán bộ địa phương viện dẫn là do văn bản chỉ đạo của cấp trên tới muộn, nội dung hướng dẫn chung chung.
Theo Báo Giao Thông