Duyên “lạ” với cổ vật
Được sự giới thiệu của một cán bộ bảo tàng Chăm Đà Nẵng, chúng tôi gõ cửa nhà “vua đồ cổ” xứ Quảng, Lâm Dũ Xênh (SN 1961, trú thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Sau chén trà nước nơi tiền sảnh, hiểu ý đoàn khách lạ, ông dẫn chúng tôi ra sau nhà, nơi lưu giữ hàng ngàn cổ vật quý giá.
Nhắc đến cổ vật, đôi mắt ông bừng sáng khác thường. Ông kể liên hồi những mẩu chuyện vụn vặt, chắp nối về chúng. Như lời ông tâm niệm, mỗi cổ vật là một “linh hồn” đến với ông như là sự “phó thác của tiền nhân”. “Mấy mươi năm gắn bó, tôi hiểu rất rõ, mỗi một món cổ vật đều có hồn. Sẽ không yên thân nếu ai đó đụng vào với ý định không tôn trọng”, ông chia sẻ.
Theo lời ông, cơ duyên đến với nghề của ông cũng thật lạ. Năm 1976, lúc đang là học sinh cấp 3 tại Đà Nẵng, cậu học trò Dũ Xênh ấp ủ ước mơ trở thành bác sỹ. Ấy thế mà, trong một lần tha thẩn bên sông Hàn, ông tình cờ nhặt được tờ báo cũ. Ai ngờ, nó lại thay đổi cả cuộc đời ông.
“Tôi còn nhớ như in tờ báo viết về những pho tượng Phật Đạt Ma cổ. Tôi đọc rồi bất giác nghĩ ước gì mình có được những thứ này. Ước vậy thôi chứ nào dám tin sẽ thành sự thật …”, ông Xênh hồi tưởng.
Thế nhưng, chỉ độ vài tháng sau, trong một đêm mưa gió tầm tã, khi ai nấy cũng nhốt mình trong nhà thì ông nghe tiếng đập cửa gọi tên.
Lúc ấy, trời đã khuya, ông bật đèn hé cửa thì nhìn thấy một cặp vợ chồng già mang áo tơi đội nón. Người vợ ôm khư khư một một chiếc thùng, bên trong chứa nhiều bức tượng cũ, đặc biệt, có một bức Phật Đạt Ma đúng như hình trên tờ báo ông từng xem.
Ông Xênh thờ phụng người bạn quá cố bị tai nạn giao thông sau khi “ủy thác” cổ vật lại cho mình. |
Chưa kịp định thần thì đôi vợ chồng đã lên tiếng: “Chú Xênh, chúng tôi là những ngư dân. Khi đi biển, tình cờ vớt được những thứ này và được dặn phải mang đến cho chú”.
Theo lời ông Xênh, bấy giờ ông hoàn toàn hiểu chuyện gì, càng không biết vì sao đôi vợ chồng xa lạ kia gọi đúng tên mình. “Đang lúc ấy thì cha mẹ Xênh thức giấc có bảo những người mang đến viết cho vài chữ trong mảnh giấy làm tin, xem như không phải đồ trộm cắp hoặc lỡ ai đó đến nhận của, gia đình cũng không gặp rắc rối. Từ đó cho tới nay, tôi chưa một lần gặp lại đôi vợ chồng năm xưa nữa”, ông trầm ngâm cho biết.
Dẫn chúng tôi tận mắt chiêm ngưỡng pho tượng ấy, ông Xênh nói thêm, từ ngày được “ủy thác” pho tượng cổ trên đến nay đã hơn 40 năm, ông như bị hút hồn vào thế giới cổ vật, như duyên “lạ” với thế giới này.
Cũng từ đó, sau những giờ mưu sinh bên quầy thuốc gia truyền do cha để lại, ông lặn lội khắp trên rừng, dưới biển tìm cổ vật. Cho đến nay, trong “thâm cung” của mình, ông Xênh có hơn 10.000 món đồ cổ các loại. Nổi bật là những cổ vật Sa Huỳnh niên đại 2.000 - 3.000 năm.
Cổ vật của ông như kéo chúng tôi khỏi thực tại. Khắp căn phòng nhỏ là hơn 3.000 lục lạc cổ từ cao nguyên Tây Tạng đến đồng bằng tuyết trắng ở Liên bang Nga. Cùng với đó là kiếm cổ, bình gốm cổ… Ông nói, mỗi khi vào căn phòng này, ông có cảm giác như người tiền sử bỗng nhiên thức dậy. Họ đang sống, đang sinh hoạt, nhảy múa, quanh mình.
Đáng chú ý, thời gian qua, một số tư liệu mà ông lần tìm được từ huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Rất nhiều người “gạ gẫm” đòi mua lại nhưng ông khoát tay từ chối. Rồi lặng lẽ mang tặng tất cả cho cho Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi.
Ly kỳ thế giới cổ vật
Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe nhiều hơn về những kỳ bí cổ vật, “vua đồ cổ” bỗng đăm chiêu, trầm tư hơn. Đoạn, ông thắp nhang lên tiền nhân rồi nói: “Gắn bó với cổ vật từ nhỏ, có mấy mươi năm sống chung nhưng thú thật, tôi vẫn luôn có cảm giác lạnh người mỗi khi ngồi một mình với chúng. Tôi tin rằng cổ vật có “hồn” vào, khi đến tay tôi tức là đã được cổ nhân cho phép”.
Nói đoạn, ông dẫn chúng tôi qua phòng lưu giữ các cổ vật Sa Huỳnh. Trong số hàng ngàn cổ vật này, cái nào cũng gắn với ông một câu chuyện, một duyên nợ khó giải thích.
Như để minh chứng, ông cho chúng tôi xem chiếc nồi minh khí và 3 cái rìu sắt của người Sa Huỳnh. Cái này ông được người bạn tên Th., tặng cho. Vào một buổi chiều năm 2005, người bạn đó gọi ông Xênh đến nhà chơi. Tới nơi, ông như bị hút hồn bởi chiếc nồi minh khí và 3 cái rìu sắt có niên đại khoảng 2.500 năm. Nó được phát hiện tại di chỉ Gò Quê (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) của Th...
Bức tượng Phật Đạt Ma cổ mà ngư dân tặng năm 1976. |
Cầm cổ vật về nhà chưa đầy 3 ngày, ông nhận tin bạn mình đã tử nạn trong một vụ tai nạn giao thông. Nhiều người cho rằng đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên nhưng theo lời ông Xênh, mỗi lần nhớ lại ông vẫn lạnh sống lưng. Ông nói: “Tôi không nói chuyện mê tín. Nhưng với những gì đã diễn ra, tôi cảm thấy rất bất ngờ. Giờ đây, mỗi lần kể về cổ vật này tôi rất trân trọng bạn”.
Đây chưa phải câu chuyện duy nhất về thế giới tâm linh cổ vật, ông mở khóa cẩn thận cho chúng tôi xem bức tượng người châu Phi có niên đại 2.000 năm. Đây là cổ vật mà trước khi đến nhà ông, chúng tôi đã được nhiều cán bộ ở bảo tàng Đà Nẵng tiết lộ rằng: “Đây là cổ vật quý giá nhất của ông Xênh. Quý giá không phải ở giá trị bạc tiền mà vì số phận của pho tượng khi đến với ông thật đặc biệt”.
Ông Xênh kể, ông có cổ vật này cũng từ một người bạn. Bạn ông lại được một người dân tộc ở biên giới Tây Nam tặng hơn 30 năm về trước. Và theo lời bạn ông, khi cho đi pho tượng này, chủ nhân cũ của nó đã chết. Lúc bấy giờ, chẳng ai nghĩ gì nhưng khi đến tay ông điều tâm linh lại lặp lại. Vừa cho pho tượng xong, bạn ông cũng lặng lẽ ra đi.
Theo quan sát của chúng tôi, pho tượng ấy đen, nhỏ, gãy cụt hai cánh tay, dưới chân có xoắn hình đinh vít, tóc xoăn, môi dày, trên hai má khắc hai vạch song song. Theo giới chuyên môn, hàng ngàn năm trước, người châu Phi có thể đã từng đặt chân đến Đông Nam Á. Hiện, còn có “hai người anh em” khác của pho tượng nằm trong dân gian mà các nhà khảo cổ, giới chơi cổ vật vẫn chưa tìm ra.
|
Theo Người Đưa Tin