Cuộc chiến trong lòng Trung Quốc về vấn đề Biển Đông

Thứ bảy, 25/06/2016, 11:33
Trong bối cảnh tòa án trọng tài quốc tế sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc, những cuộc tranh luận về vấn đề Biển Đông trong nội bộ Trung Quốc cũng trở nên nóng bỏng, gay gắt hơn.

Theo Foreign Policy, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc, từ Chủ tịch Tập Cận Bình, Ngoại trưởng Vương Nghị cho tới Bộ trưởng Quốc phòng Thường Vạn Toàn, Phó Tham mưu trưởng của Quân uỷ Trung ương Trung Quốc Tôn Kiến Quốc đều khăng khăng tuyên bố theo đuổi lập trường vô lý rằng, các chuỗi đảo ở Biển Đông là vùng lãnh thổ không thể chối cãi của của nước này. Theo đó, Bắc Kinh ngụy biện rằng, các hành động của nước này trong khu vực là những biện pháp hợp pháp nhằm để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.

Trung Quốc xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam (Ảnh: Reuters)

Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng cố gắng trấn an các nước láng giềng trong khu vực cũng như dư luận quốc tế rằng, Bắc Kinh sẽ không theo đuổi chính sách bành trướng lãnh thổ và xây dựng các căn cứ quân sự trên một số đảo nhân tạo ở Biển Đông chỉ nhằm mục đích phòng thủ. Tuy nhiên, những tuyên bố trên của Bắc Kinh không thuyết phục được dư luận. Trong đó Philippines và Mỹ cáo buộc, Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, theo đuổi quyền bá chủ khu vực.

Thế còn dư luận Trung Quốc nghĩ gì về vấn đề Biển Đông? Trong bối cảnh Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc có thể sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện Đường Lưỡi bò giữa Philippines và Trung Quốc trong một vài tuần tới, các cuộc tranh luận về Biển Đông trong lòng Bắc Kinh cũng  trở nên nóng bỏng, gay gắt hơn.

Theo Foreign Policy, hiện có 3 luồng tư tưởng chính trong dư luận cũng như giới phân tích Trung Quốc về chính sách Biển Đông của Bắc Kinh, bao gồm: Trường phái thực tế, trường phái bảo thủ và ôn hòa.  Những người theo trường pháp thực tế cho rằng, chính sách Biển Đông hiện tại của Bắc Kinh là "hợp lý, không cần điều chỉnh". Theo đó, họ cho rằng, "Bắc Kinh đang bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc bằng cách tăng cường sự hiện diện cần thiết (về mặt quân sự như triển khai thêm tàu tuần tra, chiến hạm, máy bay, tên lửa...) trong khu vực".

Nhóm này xem việc tăng cường hiện diện ở Biển Đông để bảo vệ các yêu sách lãnh thổ phi lý của Bắc Kinh (dù bị các nước láng giềng trong khu vực cũng như dư luận quốc tế lên án, chỉ trích) là quan trọng hơn so với các yếu tố như danh tiếng hay hình ảnh.

Các tàu chiến Trung Quốc rời cảng ở đảo Hải Nam để tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, luồng tư tưởng thứ 2 là nhóm bảo thủ, những người cho rằng, Bắc Kinh cần phải có những động thái cứng rắn hơn nữa để bảo vệ yêu sách lãnh thổ của nước này trên Biển Đông.

Nhóm bảo thủ kêu gọi Bắc Kinh cần tiếp tục mở rộng phạm vi lãnh thổ cũng như đẩy mạnh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông. Sự bành trướng như vậy bao gồm, biến các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở Biển Đông thành các căn cứ quân sự, tiến tới kiểm soát toàn bộ khu vực địa chiến lược này bằng cách hợp thức hóa Đường Lưỡi bò phi lý thành đường phân địch ranh giới lãnh thổ trên biển.

Nhóm bảo thủ muốn tối đa hóa lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông, không quan tâm đến sự lo ngại, phản đối của các nước láng giềng và quốc tế.

Nhóm thứ 3 là những người ôn hòa. Nhóm này tin rằng, Trung Quốc sẽ dần dần điều chỉnh chính sách về Biển Đông và việc này chỉ là vấn đề thời gian. Họ cũng cho rằng, sự mơ hồ hiện nay của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đang làm mất hình ảnh và danh tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế, đồng thời làm gia tăng cảm giác ngờ vực của thế giới bên ngoài đối với Trung Quốc, gây hại cho lợi ích của nước này.

Nhóm này nhấn mạnh, Bắc Kinh cần phải làm rõ bản đồ Đường Lưỡi bò bằng các bằng chứng thuyết phục và cảnh báo, việc cố tình duy trì sự mơ hồ về vấn đề này sẽ gây trở ngại cho các thỏa hiệp ngoại giao.

Ngoài ra, nhóm ôn hòa nhấn mạnh, sẽ là phản tác dụng nếu Bắc Kinh cố biến Đường Lưỡi bò phi lý thành đường phân địch ranh giới lãnh thổ trên biển bởi nếu làm như vậy Trung Quốc sẽ bị xem là kẻ thù của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á cũng như Mỹ, khiến nước này bị cô lập và sẽ phải đối mặt với những nguy cơ đáng ngại.

Tuy nhiên, dù quan điểm khác biệt ít hay nhiều thì cả 3 nhóm hiện thực, bảo thủ, ôn hòa ở Trung Quốc đều chia sẻ chung một điều, đó là việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là cần thiết và phải làm, không sớm thì muộn bất chấp dư luận quốc tế nhiều lần chỉ trích động thái này của Trung Quốc là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn