Chiêu bài quốc tịch hòng bác phán quyết Biển Đông của Trung Quốc

Thứ tư, 22/06/2016, 12:41
Trung Quốc cố gắng hạ uy tín của tòa trọng tài bằng lập luận rằng người chỉ định ban thẩm phán là công dân Nhật và do đó, sẽ có sự thiên vị.
Ông Shunji Yanai, cựu chủ tịch ITLOS.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) dự kiến tháng này ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận phán quyết sắp tới, và đang tìm cách lôi kéo sự ủng hộ quốc tế cho lập trường của mình. Để phục vụ cho mục đích đó, Bắc Kinh còn áp dụng một chiêu bài đặc biệt: Quốc tịch của người chỉ định thẩm phán cho phiên tòa, theo Foreign Policy.

Sau khi Philippines nộp đơn kiện vào tháng 1/2013, ban thẩm phán được thành lập để xét xử. Trong ban thẩm phán gồm 5 thành viên, mỗi bên trong vụ kiện có quyền chọn hai thẩm phán, còn chủ tịch Tòa Quốc tế về Luật biển (ITLOS) chọn người thứ 5. Nhưng Trung Quốc khăng khăng từ chối tham gia vào vụ kiện, tự chối bỏ quyền chọn thẩm phán, buộc chủ tịch ITLOS khi đó là ông Shunji Yanai, một công dân Nhật Bản, phải chọn thẩm phán thay cho Trung Quốc theo quy trình chuẩn.

Chiêu bài của Trung Quốc

Quan chức Trung Quốc đã phản đối vai trò đó của ông Yanai, tuyên bố rằng vì Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Đông nên người mang quốc tịch Nhật Bản không thích hợp để đóng vai trò trong một vụ kiện liên quan đến các tranh chấp khác. Thực tế, ông Yanai chỉ là người chọn ban thẩm phán chứ không phải là thẩm phán trực tiếp xem xét vụ kiện.

Ông Yanai đã làm việc trong lĩnh vực luật quốc tế trong 45 năm. Ông bắt đầu làm việc cho Bộ Ngoại giao Nhật Bản từ năm 1961, từng giảng dạy pháp luật quốc tế tại Đại học Chuo ở Tokyo và thuyết giảng về giải quyết tranh chấp hàng hải, và là đại sứ tại Mỹ năm 1999-2001. Wall Street Journal khi đó mô tả ông là người "thẳng thắn, vui vẻ".

Ông trở thành thành viên ITLOS vào năm 2005 và giữ chức chủ tịch tòa án quốc tế này trong giai đoạn 2011-2014.

Trung Quốc lần đầu tiên bày tỏ sự phản đối với ông Yanai vào năm 2013, và khi PCA chuẩn bị ra phán quyết, nước này càng tăng cường hành động đó. Một bài bình luận đăng hôm 11/5 trên People’s Daily có đoạn viết: "Khi xét đến tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Shunji Yanai lẽ ra phải tránh tham gia vào vụ việc này, theo luật đã định. Tuy nhiên, ông ấy cố tình lờ đi thực tế đó và rõ ràng đã vi phạm các yêu cầu trong thủ tục pháp lý".

Bài bình luận này được viết bởi "Zhong Sheng", một bút danh thường được sử dụng để trình bày quan điểm chính thức của tờ báo. Bài báo không chỉ ra rõ luật nào đã bị vi phạm. Bài bình luận còn nói rằng những thẩm phán được chọn một cách thiên vị và "cố tình bỏ qua các quyền và lợi ích của Trung Quốc".

Theo giới quan sát, hành động nhắm mục tiêu vào quốc tịch của các thẩm phán PCA đang được Trung Quốc áp dụng triệt để nhằm phục vụ cho mục đích của mình.

Ngày 8/6, đại sứ Trung Quốc tại Indonesia, Xie Feng, đã viết một bài xã luận trên Jakarta Post, nhấn mạnh chủ tịch tòa là "một công dân Nhật Bản", và nói thêm rằng ban thẩm phán với 4 người châu Âu và một người từ Ghana "khó có thể được coi là đại diện phổ quát".

Trong một hội thảo về an ninh biển diễn ra gần đây ở Quảng Ninh, Việt Nam, giáo sư Sienho Yee, chuyên gia luật quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Biển và Biên giới, Đại học Vũ Hán, cũng lặp lại luận điệu trên, cho rằng việc có quá nhiều công dân châu Âu trong ban thẩm phán PCA là một sự "bất công" đối với Trung Quốc, do đó nước này có quyền bác bỏ thẩm quyền xét xử của tòa.

Các học giả Trung Quốc cũng tăng cường giọng điệu chống lại ông Yanai. Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc nói rằng có bằng chứng chứng minh Yanai thiên vị Philippines. "Tháng 4/2013, Yanai chọn ông Chris Pinto vào ban thẩm phán. Ông Pinto mang quốc tịch Sri Lanka nhưng vợ của ông là người Philippines", Ngô viết. Trên thực tế, ông Pinto đã xin không tham gia vào vụ kiện từ năm 2013 và hiện không phải là một trong 5 thẩm phán xét xử. Thẩm phán người Ghana Thomas Mensah đã thế chỗ ông.

Ngô Sĩ Tồn cũng nói rằng nếu PCA phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, điều đó có thể có lợi cho Nhật Bản vì "Nhật Bản, bằng cách tham gia chỉ trích Trung Quốc, có thể làm cho mình hiện lên như một người tốt ở Đông Á".

Theo Foreign Policy, việc nhấn mạnh quốc tịch của ông Yanai có thể phục vụ cho mục đích hạ uy tín của tòa trong mắt người Trung Quốc. Ác cảm với người Nhật trong dư luận Trung Quốc đã bùng lên trong những năm gần đây, khi họ cho rằng Nhật Bản cố tình muốn "tẩy trắng" lịch sử bằng cuốn sách giáo khoa gây tranh cãi. Người Trung Quốc cũng giận dữ trước chuyến thăm của các quan chức chính phủ Nhật đến ngôi đền chiến tranh ở Tokyo. Hai nước còn đang vướng vào tranh chấp chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku ở biển Hoa Đông.

Người dùng mạng Trung Quốc cũng thường chỉ trích Nhật Bản hoặc chỉ trích chính phủ nước mình khi họ không có lập trường cứng rắn với Tokyo. Hồi tháng ba, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi bày tỏ sự không hài lòng khi Nhật Bản hợp tác quân sự với Philippines.

Bị phản bác

Các nhà bình luận về Biển Đông tại Mỹ đã bác bỏ quan điểm cho rằng quốc tịch Nhật Bản của ông Yanai ảnh hưởng đến việc thành lập ban thẩm phán của PCA. "Đó không phải là một vấn đề cần được tranh luận nghiêm túc", James Kraska, giáo sư luật quốc tế và là giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu luật Stockton, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nhận định.

"Luật điểm này cũng như kiểu Donald Trump nói về thẩm phán gốc Mexico", ông Kraska nói, đề cập đến việc ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa nói rằng thẩm phán người Mỹ gốc Mexico không đáng tin cậy để ra phán quyết vụ kiện về việc trường Đại học Trump đã ngừng hoạt động. Tuyên bố của ông Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích.

Từ năm 1997, ITLOS đã xử 25 vụ kiện, nhưng theo Kraska, đây là lần đầu tiên quốc tịch của một thẩm phán có liên quan được mang ra để nghi ngờ về tính công bằng của tòa án.

Ông Kraska không thấy có bằng chứng nào về việc 5 thẩm phán trực tiếp xử vụ kiện sẽ thiên vị bên nào. "Không ai trong số các thẩm phán đó có bất kỳ thiên hướng chính trị rõ ràng nào trong suốt sự nghiệp của họ", ông Kraska nói. "Họ là những chuyên gia pháp lý. Họ đã dành cả cuộc đời để đấu tranh vì pháp trị trong lĩnh vực biển. Họ là những người tận tụy và thực sự tin tưởng giá trị của luật pháp quốc tế và luật biển".

Nhiều nhà phân tích đã dự đoán rằng tòa sẽ ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Bonnie Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, nói rằng lời chỉ trích nhắm vào Yanai là nỗ lực cuối cùng của Trung Quốc để cố gắng làm mất uy tín tòa. Bà Glaser cho biết bà đã nghe lập luận này từ năm 2013 nhưng gần đây vấn đề này được thảo luận rộng rãi hơn.

"Trung Quốc đã thử mọi góc độ có thể để phản đối tòa". "Đầu tiên, họ quả quyết rằng tòa không có thẩm quyền xử vụ kiện. Sau đó, họ nói rằng việc mang vấn đề Biển Đông ra tòa quốc tế là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa Trung Quốc và các nước Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). "Những biện pháp này đều không hiệu quả" và cả "đòn tấn công mới nhất" cũng vậy, bà Glaser nhận xét. Bà cho rằng lập luận mới nhất của Trung Quốc là "đáng ghét nhất", và cho biết bà thấy ban thẩm phán của tòa "tốt nhất trên thế giới".

Trao đổi với PV, giáo sư Harry L. Roque, phó chủ tịch Hiệp hội Luật Quốc tế tại châu Á, cho rằng luận điểm này của Trung Quốc chỉ là "đòn công kích không có giá trị". "Trong một phiên tòa, người ta chỉ chú trọng đến uy tín, năng lực xét xử của các thẩm phán, còn vấn đề quốc tịch không phải là yếu tố quan trọng", ông Roque nói.

Trung Quốc khăng khăng rằng họ sẽ không công nhận phán quyết của tòa, và nếu làm vậy, Trung Quốc nhiều khả năng hứng chịu chỉ trích từ quốc tế và quyền lực mềm của nước này cũng sẽ bị ảnh hưởng. "Bằng cách cố gắng làm mất uy tín của tòa, Bắc Kinh hy vọng sẽ giảm những thiệt hại đó càng nhiều càng tốt"FP viết.

Theo VNE

Các tin cũ hơn