Mái vòm của nhà nguyện xây bên trên mộ Chúa Jesus. |
Theo The Washington Post, để sửa chữa nhà thờ đang có nguy cơ sụp đổ do trọng lượng, nhóm chuyên gia phải thâm nhập vào tàn tích của ngôi mộ rộng vài mét vuông từ thế kỷ I có tên Holy Rock. Họ sẽ phải làm sạch lớp bồ hóng tích tụ hàng thế kỷ từ những ngọn nến trong nhà thờ. Họ cũng phải di dời nền đá cẩm thạch và sau đó trát vữa vào khối đá xây.
Ở chính giữa nhà thờ Mộ Thánh trong lòng thành phố Jerusalem cổ đại, các nhà bảo tồn sẽ nhấc phiến đá nhẵn bóng nơi hàng triệu người hành hương từng quỳ xuống và cầu nguyện để tìm hiểu bên dưới. Đây là lần đầu tiên trong hơn 200 năm họ xem xét bên trong ngôi mộ. Tàn tích của ngôi mộ đục từ đá đang rạn nứt do nhà thờ xây phía trên bị lung lay. Việc sửa chữa bị trì hoãn trong nhiều thập kỷ. Sau nhiều năm tranh luận giữa những người trông coi công trình, dự án tôn tạo chính thức bắt đầu từ tháng 6.
Các nhà bảo tồn không dám chắc về những gì họ sẽ tìm thấy. "Đây là nơi sống động nhất mà chúng tôi từng tu sửa", Antonia Moropoulou, người chỉ đạo nhóm chuyên gia ở Đại học Công nghệ Quốc gia tại Athens, Hy Lạp, chia sẻ.
Nhóm chuyên gia đã thăm dò nhà thờ và ngôi mộ bằng công nghệ radar xuyên đất và quét laser. Họ cho máy bay không người lái mang camera bay bên trên ngôi mộ và phát hiện một vệt đứt gãy ở mặt đá. Theo họ, vết nứt có thể là kết quả do áp lực từ các cột trụ chống đỡ mái vòm xây bên trên.
Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem là một trong những công trình tôn giáo nổi tiếng nhất trên thế giới với thánh đường sâu hun hút, chứa đầy hốc tường mờ ảo, mộ bí mật, nhà nguyện và tượng vàng. Nhà thờ được cho là nơi Chúa Jesus qua đời, trải qua nghi thức chôn cất và hồi sinh. Công tác khảo cổ tại nhà thờ Mộ Thánh bị hạn chế do sự bảo vệ của các tu sĩ cũng như truyền thống lâu đời.
Theo VNE