Kyodo dẫn các nguồn tin ngoại giao ngày 20/6 cho hay, Trung Quốc lớn tiếng nói với một số nhà ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) rằng, họ không loại trừ việc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nếu phán quyết của PCA “trái với nền tảng vị thế” của Bắc Kinh.
Theo các nguồn tin ngoại giao, điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ Manila kiện Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan là quyết định về việc áp dụng cái gọi là “đường 9 đoạn” mơ hồ trên Biển Đông.
Trung Quốc cho rằng, kết quả tồi tệ nhất từ PCA sẽ bác tuyên bố về “quyền lợi lịch sử” của Bắc Kinh trên Biển Đông khi cho rằng chúng không dựa theo luật pháp quốc tế đồng thời vô hiệu hóa “đường 9 đoạn”.
Nhiều chuyên gia tin rằng phán quyết của PCA sẽ tạo bất lợi cho phía Trung Quốc. Bắc Kinh luôn khăng khăng sẽ không chấp nhận và không tôn trọng phán quyết của PCA dù Trung Quốc là một thành viên của UNCLOS từ năm 1996.
PCA tổ chức phiên điều trần kín ở Hà Lan để nghe Philippines giải trình các luận điểm quanh vụ kiện Trung Quốc từ ngày 7 tới 13/7/2015. |
Bắc Kinh chỉ trích Philippines đơn phương kiện Trung Quốc lên PCA và phá vỡ các thỏa thuận trước đây giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương.
Trung Quốc thậm chí còn nói Mỹ "không có quyền nói về vụ kiện của Tòa Trọng tài" vì Washington không tham gia ký UNCLOS. Bắc Kinh cáo buộc Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực đang tìm cách "kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh" trong luật pháp quốc tế.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò". Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng trái phép các cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.
Ngày 22/1/2013, Philippines đệ đơn lên PCA, kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS năm 1982. Tòa quốc tế sẽ ra phán quyết cuối cùng ngày 7/7, trong đó nêu rõ cách giải thích của Trung Quốc về "đường lưỡi bò" có phù hợp hay không phù hợp UNCLOS.
Nhiều tháng trước khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc liên tục rêu rao rằng nước này hiện nhận được sự ủng hộ từ 60 nước trong vụ kiện yêu sách "đường lưỡi bò". Tuy nhiên, theo Diplomat, Bắc Kinh còn không biết rõ cụ thể đó là những nước nào.
Cho tới nay, chỉ 8 quốc gia công khai đứng về phía Trung Quốc trong vụ này, gồm Afghanistan và Lesotho (châu Phi) là hai nước không tiếp giáp biển. Các nước khác trong danh sách gồm: Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu, theo WSJ.
Trong diễn biến mới nhất, Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 20/6 tuyên bố nước này “không ủng hộ” phán quyết của PCA. "Đây không phải là vấn đề pháp lý, nó hoàn toàn mang động cơ chính trị. Tôi sẽ không hỗ trợ bất kỳ phán quyết của tòa án", ông Hun Sen cho hay. Thủ tướng Campuchia cũng nhấn mạnh rằng, vụ kiện là “âm mưu chính trị giữa một số quốc gia và tòa án".
Theo AFP, ông Hun Sen đã tỏ ra "giận dữ" khi các phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin, Campuchia cùng với Myanamar, Lào đứng sau việc ASEAN phải rút lại tuyên bố chung về Biển Đông tại Hội nghị Đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh, Vân Nam hồi tuần trước.
Ông gọi việc này là "không thể chấp nhận". "Như thế rất không công bằng với Campuchia. Một số nước đang sử dụng Campuchia để chống Trung Quốc", thủ tướng Campuchia nói.
Năm 1982, Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc thông qua Công ước Luật Biển với 320 điều và 9 phụ lục. Công ước được coi là hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương, bởi nó đã xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển, cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế. Công ước đã được hơn 160 quốc gia trên thế giới ký và phê chuẩn. Trong số các nước ven Biển Đông, 8 nước tham gia ký UNCLOS là Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Brunei, Thái Lan và Trung Quốc. |
Theo Zing