Chuyện siêu thị bắt khách nhận kẹo thay vì trả lại tiền lẻ: Nếu khách không muốn thì sao?

Thứ tư, 22/06/2016, 10:47
Số tiền 500 hay 1.000 đồng dường như rất nhỏ nên khách mua hàng đôi khi thấy không vấn đề gì nếu phải nhận một cục kẹo thay cho tiền thừa. Thế nhưng vẫn có nhiều người không thoải mái vì cảm giác mình bị bắt ép phải nhận thứ mình không có nhu cầu dùng đến.

Lâu nay, mỗi khi đi mua sắm ở siêu thị hoặc cửa hàng tạp hóa, người ta vẫn quen với việc được nhận kẹo thay cho số tiền thừa khoảng 500 - 1.000 đồng và nếu thừa dưới 500 đồng thì coi như "tiền tips" cho nhân viên.

Các mặt hàng ở siêu thị thường có mức giá không được làm tròn số.
99k, 199k, 299k là những mức giá thuờng thấy cho các mặt hàng ở siêu thị.

Mới đây, facebook-er tên P.L đã đăng đàn, chia sẻ một góc nhìn rất mới về giao dịch tiền lẻ bằng kẹo này. P.L kể rằng anh đã phải nhận kẹo thay vì tiền thừa tại một siêu thị. Ngày hôm sau, anh này quay lại chính siêu thị đó mua đồ và khi thiếu số tiền lẻ để thanh toán thì P.L đã đem kẹo ra trả cho siêu thị.

Ban đầu, P.L bị siêu thị từ chối với lý do đó không phải là tiền, không thể dùng để thanh toán. Thế nhưng sau đó người quản lý đã chấp nhận nhận lại cục kẹo khi vị khách này một mực nói: "Cục kẹo này là cái em trả anh hôm qua, sao em bảo không phải là tiền? Em được, anh lại không được?".

Câu chuyện khiến cộng đồng mạng phải suy nghĩ đến việc tại sao người tiêu dùng phải chấp nhận giao dịch bằng kẹo từ siêu thị nhưng ngược lại, siêu thị lại không chấp nhận hình thức giao dịch mà chính họ đã đặt ra quy ước?

Chỉ trong vòng một buổi chiều, khi dạo quanh những siêu thị lớn tại Hà Nội, chúng tôi đã lắng nghe được rất nhiều ý kiến trái chiều từ người tiêu dùng và nhân viên siêu thị xung quanh câu chuyện, khách thừa tiền lẻ, thối lại bằng tiền hay kẹo?

Nhiều khách hàng cảm thấy không thoải mái khi phải nhận kẹo

Đó là lời khẳng định của Nguyễn Thị Giang (sinh viên ĐH Ngoại ngữ Hà Nội) khi nhắc đến việc cô thường xuyên bị siêu thị, cửa hàng tạp hóa thanh toán bằng kẹo thay cho số tiền lẻ thừa ra mỗi khi mua đồ.

"Lý do là mình thấy họ thường trả lại bằng các loại kẹo rất rẻ tiền, đôi khi mình không thể dùng được. Nếu thừa 500 đồng thì còn có kẹo nhưng nếu thừa 200-400 đồng thì còn chẳng có kẹo để nhận về".

Nguyễn Thị Giang, sinh viên ĐH Ngoại ngữ.

Theo Giang, giao dịch thay thế tiền lẻ bằng kẹo thường do phía các siêu thị tự áp đặt mà không hề hỏi xem, khách hàng có thực sự muốn như thế hay không.

"Nếu siêu thị cứ tích từng 1.000 đồng lại, nếu một cửa hàng, một ngày có 100 lượt khách thì số tiền thu về là không hề vô nghĩa. Cứ cho họ thối bằng kẹo thì vì sao 100 vị khách kia tự nhiên bị bắt buộc phải mua giúp họ số kẹo đó. Thậm chí mình biết có rất nhiều người không thích kẹo và bỏ qua số tiền lẻ thừa, vậy thì lợi ích ở đây, ai được hưởng?", Giang đặt ra câu hỏi.

Giang chia sẻ, nhiều cửa hàng quanh khu KTX của cô từng áp dụng cách thanh toán này. Tuy nhiên, nó đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các bạn sinh viên."Kết quả là quản lý KTX đã yêu cầu các cửa hàng đó dự trù tiền lẻ để trả lại cho sinh viên mỗi khi mua đồ".

Đồng tình với quan điểm của Giang, chị Kim Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: "Mình cũng không thích cách làm này. Bởi vì ở siêu thị, các mặt hàng thường có giá rất lẻ, ví dụ như 199.000 đồng, 6.500 đồng. Vì thế, khách thường xuyên thừa tiền lẻ nhưng hầu như, họ toàn phải nhận kẹo thay tiền".

Chị Loan (Cầu Giấy, Hà Nội).

Trong khi đó, chị Loan (một khách hàng của siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội) tâm sự, nhiều lần thừa tiền lẻ, chị đã phải cầm những chiếc kẹo mình không thích."Cách làm của tôi là trả lại siêu thị, bỏ qua số tiền lẻ còn thừa. Thực sự tôi không quá nặng nề về chuyện này nhưng cũng không đồng tình với cách làm của nhiều siêu thị. Chính xác thì tôi thông cảm với nhân viên nhiều hơn vì khi họ kéo ngăn tủ đựng tiền ra, tôi cũng không nhìn thấy tiền lẻ ở đó".

Cố tình bắt khách nhận kẹo: Có thể bị xử lý!

Câu chuyện thối tiền bằng kẹo có lẽ xảy ra từ rất lâu và nhiều người vẫn coi đó là điều hết sức bình thường, chẳng mấy ai bận tâm. Khi trò chuyện với nữ nhân viên thu ngân ở một siêu thị nhỏ trên đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), cô chia sẻ rằng việc phải thối kẹo cho khách chỉ áp dụng vào lúc cửa hàng không còn tiền lẻ chứ không phải lúc nào cũng bắt khách nhận kẹo.

"Bọn mình thấy không có vấn đề gì vì đã đưa lại kẹo bằng giá trị tiền thối cho khách. Hơn nữa, cách này chỉ áp dụng khi trong tủ hết tiền lẻ. Nếu còn, bọn mình sẽ hoàn lại đủ tiền cho khách".

Ở quầy thanh toán, không ít người phải ngẩn tò te khi nhận được những viên kẹo không mong muốn.

Khi được hỏi lý do vì sao siêu thị của cô lại nghĩ ra cách giao dịch lấy kẹo đổi tiền, nữ nhân viên cho hay:"Vì tiền lẻ ngày càng ít đi trong khi một ngày bọn mình cũng đông khách, số tiền lẻ cần hoàn lại nhiều nên không chuẩn bị đủ. Chỉ rất ít trường hợp hỏi lại vì sao và khi bọn mình giải thích rõ là ngăn kéo đã hết tiền lẻ thì họ cũng thông cảm".

...Và việc nhận kẹo thay tiền lẻ thì thường xuyên diễn ra.

Đồng tình với quan điểm này, bà Dung, chủ một hiệu tạp hóa ngõ 562, Thụy Khuê, tâm sự: "Trả kẹo thay tiền cũng chỉ là hình thức bắt buộc khi nhà hết sạch tiền lẻ thôi".

Bà Dung cũng khẳng định, kẹo mà bà mang trả khách đều do các nhãn hàng lớn sản xuất. "Mình cũng dựa vào giá thành gói kẹo, chia xem mỗi viên kẹo giá bao nhiêu rồi khi không có tiền lẻ trả lại cho khách thì mình đem số kẹo tương ứng với số tiền lẻ thừa để đưa cho họ, họ vui vẻ chấp nhận. Như thế đâu phải xem là điều gì sai trái?", bà Dung bày tỏ.

Thế nhưng, luật gia Nguyễn Trung Tín cho biết, theo nguyên tắc thì hành vi từ chối lưu thông tiền tệ đủ tiêu chuẩn do nhà nước Việt Nam ban hành sẽ bị cấm. Tuy nhiên, mức xử phạt cho hành vi từ chối lưu hành tiền lẻ hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể.

"Cũng có trường hợp, những nhân viên siêu thị bảo hết tiền lẻ, đổi bằng kẹo là nhằm cố ý kiếm thêm lời. Một khách hàng thì ít, nhưng hàng nghìn khách hàng cứ đổi 500 - 1000 lấy kẹo mỗi ngày như vậy, thì số tiền thu lợi bất chính rất lớn. Nếu số tiền thu lợi bất chính từ nhiều người, những nhân viên siêu thị lợi dụng việc đổi kẹo, để tư lợi riêng cho mình những khoản tiền dư ra, có thể sẽ bị xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"  theo Điều 139 BLHS 1999", luật gia cho biết.

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích