Những chiếc “tàu 67” đang được Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) tập trung triển khai để ngư dân vươn khơi bám biển |
Hàng chục tàu sắt, tàu gỗ công suất lớn được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ đã và đang được ngư dân Quảng Trị, miền Trung hạ thủy, kiên cường bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Không chùn bước trước “kế bẩn” ngoài biển lớn
Tất bật hướng dẫn anh em kiểm đếm ngư lưới cụ, lương thực, đá lạnh, chủ tàu Hồ Văn Bé (51 tuổi, trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) bẻ lái con tàu QT-91019TS rời biển Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) trực chỉ hướng Hoàng Sa. “Mất 2 tháng “nằm bờ” tôi nhớ biển, ngứa nghề lắm. Đang vào mùa biển thuận lợi nên các bạn tàu rất quyết tâm”, ông Bé nói.
Chuyến biển gần nhất cách chừng 2 tháng, khi tàu QT-91019TS đang thả lưới đánh bắt hải sản ở vùng biển phía trên quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu Trung Quốc thả neo kéo rê, cắt qua “xé rách” số ngư lưới cụ, thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Cả tàu chưa kịp trở tay, trong lúc bấn loạn, ông Bé không may để tay quấn vào lưới và bị nghiến đứt một ngón phải về bờ nằm viện điều trị.
Những tháng đầu năm 2016, con tàu QT-91019TS liên tiếp lạc vào vòng xoáy “nhân tai” trên biển. Đầu tháng 1, tàu cá QT-91019TS cùng 3 tàu cá QT-90709TS, QT-90019TS và QT-91379TS của ngư dân Cửa Việt đang đánh bắt ở tọa độ 17độ 30N - 107 độ 20E bị 10 tàu cá Trung Quốc đánh bắt ghẹ (hướng Đông Bắc, cách đảo Cồn Cỏ khoảng 20 hải lý) gây rối và phá hoại.
Chủ tàu cá QT-91379TS, ông Võ Thanh Tánh (58 tuổi) bức xúc: Chúng tôi đã cảnh báo tàu Trung Quốc vi phạm chủ quyền, tiến sâu vào vùng biển Việt Nam nhưng các tàu này vẫn hung hăng tìm cách gây hấn. Một chiếc trong nhóm thả neo kéo rê, phá lưới tàu Việt Nam, 9 chiếc tàu còn lại chạy vòng quanh để sẵn sàng uy hiếp. Ngư dân Cửa Việt báo tin vào đất liền cho lực lượng chức năng. Chỉ đến khi tàu Cảnh sát biển ra hỗ trợ ngư dân thì các tàu cá nước ngoài này mới tháo chạy khỏi ngư trường. Ngay sau chuyến biển, những ngư lưới cụ bị phá hoại được bàn giao cho Đồn biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt phục vụ công tác điều tra.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, từ đầu năm đến nay, có hàng chục lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển Quảng Trị, phá hoại tàu cá Việt Nam. Đơn cử như hồi đầu năm, chỉ trong 20 ngày (từ 1-19/1) Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã phát hiện 47 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển, phá hoại tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Theo các ngư dân, đây được xem là những “đòn bẩn” của tàu nước ngoài nhằm “lấn sân” chủ quyền và uy hiếp các tàu thuyền Việt Nam đang hoạt động đúng pháp luật. Tuy nhiên, ý chỉ mở biển, vươn khơi của các ngư dân vẫn không hề nao núng. Mỗi ngày từ biển Cửa Việt, hàng chục con tàu lại khảng khái vươn khơi, khẳng định chủ quyền nơi vùng biển “nóng” Hoàng Sa, Trường Sa.
Biên đội “tàu khủng”
Một trong những điểm bày bán cá sạch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế sau khi xảy ra hiện tượng cá chết bất thường |
Vừa trở về Cửa Việt sau chuyến vươn khơi trên con tàu vỏ gỗ hơn 400CV, chủ tàu Đoàn Văn Dũng (42 tuổi, trú tại khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) tất bật hạ thủy “tàu 67” công suất 822CV vừa được đóng để thực hiện chuyến “mở biển” đầu tiên. Ông Dũng bảo: Năm 2014, tàu của mình bị tàu Trung Quốc phá hoại ngư lưới cụ, thiệt hại trên 100 triệu đồng.
Không ít chuyến biển tiếp theo tàu thuyền của ông Dũng và các ngư dân trên địa bàn bị tàu nước ngoài quấy phá khi hoạt động trong vùng chủ quyền Việt Nam. Nhưng chẳng ai “ngán” tàu Trung Quốc. “Mình đúng luật có gì mà sợ. Chỉ những người làm việc phi pháp mới đáng lên án”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, qua hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, Quảng Trị đã phê duyệt danh sách đóng mới 32/32 tàu cá (có 20 tàu vỏ thép, 10 tàu vỏ gỗ và 2 tàu vỏ composite) và 89 tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp.
Đến nay, Quảng Trị đã có 18 tàu cá đóng mới và 29 tàu nâng cấp được các ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng vay vốn đóng mới với tổng mức đầu tư 308,796 tỷ đồng, trong đó giá trị hợp đồng cho vay là 263,220 tỷ đồng, đã giải ngân trên 157,731 tỷ đồng, đạt 50% giá trị hợp đồng cho vay.
Đầu tháng 6, thêm 3 tàu khủng theo Nghị định 67 của 3 ngư dân Quảng Trị được Công ty TNHH Đóng tàu Cửa Việt và Công ty TNHH Đóng tàu Đà Nẵng bàn giao, hạ thủy. Chủ tàu Võ Minh Bình (50 tuổi, trú xã Gio Hải, Gio Linh) phấn khởi: Đây là ước mơ bấy lâu nay của ngư dân. Tàu như cái xe chạy trên đường, như cái nhà để ở vậy. Càng hiện đại, càng kiên cố thì càng an toàn và hiệu quả.
Chủ tàu Võ Văn Hữu (41 tuổi, trú thị trấn Cửa Việt), một trong 3 tàu khủng vừa hạ thủy cũng tự tin cho rằng, với những chiếc tàu vỏ thép công suất lớn, ngư dân sẽ không bị “lép vế” trước những chiếc tàu sắt nước ngoài chèn ép ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống. “Tàu 67” của ông Công chuyên dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất thiết kế 1.200CV, dài 35m, rộng 7,2m, có 3 khoang chứa cá gần 300m3, tầm hoạt động khoảng 1.500 hải lý, dự trữ nhiên liệu hoạt động đến 30 ngày trên biển.
Không chỉ phát triển số lượng tàu “khủng”, ngư dân Quảng Trị còn mở rộng mô hình đánh bắt theo tổ, tương trợ lẫn nhau. Thị trấn Cửa Việt cũng tiên phong thành lập Ban tự quản tàu thuyền khu phố 5 đầu tiên trên địa bàn. “Những ngư dân thuộc tổ đội không chỉ đoàn kết bảo vệ ngư trường, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi vươn khơi bám biển, sẻ chia thông tin luồng cá, mà còn tương trợ nhau rất kịp thời khi không may có sự cố và nhiệt tình cứu người, cứu tàu gặp rủi ro trên biển”, ông Bùi Đình Sành, Trưởng ban tự quản chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay toàn tỉnh đã hạ thủy được 10 tàu cá đóng mới (6 tàu vỏ thép và 4 tàu vỏ gỗ) theo Nghị định 67. Nhiều ngư dân đã tích cực tham gia đóng mới, nâng cấp tàu cá để hoạt động xa bờ, giảm dần tàu cá có công suất nhỏ hoạt động vẹn bờ, góp phần giảm áp lực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
Đồng thời, tăng năng suất khai thác xa bờ, đảm bảo an toàn, góp phần bảo vệ chủ quyền. Quảng Trị đang phát triển thủy sản mang tính đột phá, đồng bộ; Hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nghề cá của tỉnh đến hình thành các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá cho bà con ngư dân trên địa bàn, đặc biệt là đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ công suất từ 400CV trở lên.
Theo Báo Giao Thông