Trung Quốc lại giở chiêu tàu cá để chiếm Biển Đông

Thứ tư, 22/06/2016, 09:47
Chỉ huy Hạm đội Tây của Hải quân Indonesia, Chuẩn Đô đốc A. Taufiq R., cáo buộc sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc xung quanh quần đảo Natuna - Indonesia là âm mưu nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Ông Taufiq cho biết việc tàu cá Trung Quốc tiếp cận quần đảo Natuna để đánh bắt cá trái phép chỉ là một cái cớ giúp Bắc Kinh khẳng định yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

“Khi bạn tuyên bố chủ quyền một vùng lãnh thổ, bạn phải có mặt ở đó. Cách của Trung Quốc là triển khai tàu đánh cá” – ông Taufiq nói với tờ Straits Times (Singapore) hôm 21-6.

Bình luận của chuẩn Đô đốc Taufiq được đưa ra vài ngày sau khi hải quân Indonesia bắt giữ một tàu cá cắm cờ Trung Quốc và thủy thủ đoàn hôm 17-6. Tàu cá này bị cáo buộc đánh bắt trái phép ngoài khơi quần đảo Natuna.

Indonesia tuyên bố không nhân nhượng với tàu cá Trung Quốc.

Về sự cố nói trên, hải quân Indonesia xác nhận họ bắn cảnh cáo 12 tàu cá Trung Quốc nhưng chỉ bắt giữ 1 tàu cá mang tên Yueyandong Yu 19038 cùng 7 thuyền viên.

Ông Taufiq phủ nhận cáo buộc của Bắc Kinh rằng tàu chiến KRI Imam Bonjol bắn bị thương 1 ngư dân Trung Quốc, đồng thời gọi cáo buộc là “vô căn cứ”. “7 người bị bắt đều khỏe mạnh, không gặp thương tích. Chúng tôi bắn cảnh cáo chỉ vì họ không dừng lại” – ông Taufiq nói.

Yueyandong Yu là tàu cá thứ 3 của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trộm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia kể từ tháng 3, theo Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti.

Bà Susi thề sẽ cứng rắn với những kẻ săn trộm, bất kể họ đến từ Trung Quốc. Indonesia không tham gia các tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn gặp rắc rối với Trung Quốc tại quần đảo Natuna.

Bắc Kinh bảo vệ hành động của mình bằng cách khẳng định tàu cá Trung Quốc “hoạt động trong ngư trường truyền thống của nước này” xung quanh quần đảo Natuna.

Bộ trưởng Bộ Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh Indonesia Luhut Pandjaitan hôm 20-6 cho biết Tổng thống Joko Widodo đã ký quyết định thành lập một nhóm chuyên gia luật hàng hải quốc tế nhằm giải quyết vấn đề một cách thân thiện với Trung Quốc.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn