Tuscany là nơi sinh sống của một trong những cộng đồng người Hoa lớn nhất châu Âu. Động thái kiểm tra các nhà máy, câu lạc bộ đêm và các nhóm cộng đồng do người Trung Quốc quản lý tại Tuscany đã khiến Bộ Ngoại giao Trung Quốc khó chịu.
Mọi căng thẳng khởi phát ở TP.Prato (thuộc tỉnh cùng tên và nằm trong vùng Tuscany) từ ngày 30-6, khi các nhà chức trách địa phương tăng cường kiểm tra kể từ lần 7 người thiệt mạng trong một vụ cháy xưởng dệt may năm 2013.
Theo một nguồn tin cảnh sát, chủ xưởng dệt may giận dữ sau khi một thanh tra ghi nhận những vi phạm nhỏ liên quan đến các quy tắc an toàn và sức khỏe, xô đẩy cả thanh tra lẫn cảnh sát đi cùng.
Nhiều công nhân tự đóng cửa xưởng, cố thủ bên trong và hàng trăm người khác tụ tập bên ngoài. Công nhân Trung Quốc ném đá và chai lọ, khiến cảnh sát dùng dùi cui và khiên giải tán đám đông. Hai công dân Trung Quốc và một cảnh sát bị thương.
Chủ nhà máy và 1 công nhân bị bắt giữ vì nghi ngờ gây thương tích và chống lại các quan chức địa phương. Trong khi đó, nhiều người Trung Quốc tố rằng các nhà chức trách Ý sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi kiểm tra xưởng dệt.
Công nhân Trung Quốc đụng độ cảnh sát Ý hồi tuần trước. |
Prato được xem là thủ đô dệt may của Ý và là nơi mà người Trung Quốc di cư sang từ giữa những năm 1990. Khoảng 50.000 công nhân Trung Quốc có mặt trong khu vực, làm ra quần áo và túi xách với nhãn mác “Made in Italy”.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may trong vùng phụ thuộc vào lực lượng lao động nhập cư bất hợp pháp nên phớt lờ quy tắc an toàn và trốn thuế. Khu vực này cũng là tâm điểm của một cuộc điều tra chuyển tiền bất hợp pháp về Trung Quốc, với giá trị khoảng 4,5 tỉ Euro từ năm 2006 đến 2010.
Người đứng đầu vùng Tuscany, ông Enrico Rossi, hôm 1-7 cho biết đã bàn về sự việc ở Prato với Ngoại trưởng Ý Paolo Gentiloni. “Tình hình đó khó có thể chấp nhận. Chúng tôi cần các cộng đồng Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp. Chúng ta không thể có “vùng cấm”. Chúng tôi sẽ tiếp tục thanh tra để làm sạch hệ thống sản xuất rộng lớn này” - ông Rossi nói.
Ông Rossi nói phân nửa hoạt động kinh tế trong vùng là bất hợp pháp, với 1 tỉ Euro tiền thuế không được thanh toán mỗi năm trong khi nạn rửa tiền tràn lan qua các dịch vụ chuyển tiền quốc tế. Chuyện này khiến Ngân hàng Ý tiến hành thanh tra giám sát các văn phòng của Ngân hàng Trung Quốc.
Các chức trách Ý tăng cường kiểm tra nhà xưởng Trung Quốc. |
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc tại Florence đã đến các nơi xảy ra các cuộc đụng độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 1-7 nói rằng tình hình được kiểm soát.
Phía Bắc Kinh yêu cầu Ý “thực thi pháp luật một cách văn minh, tiến hành điều tra công bằng và bảo vệ các quyền và lợi ích của công dân Trung Quốc tại Ý”. Ngược lại, ông Hồng cũng khuyên người Trung Quốc "bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật và hành xử có lý trí".
Trong một diễn biến khác, hôm 1-7, cảnh sát ở Prato bắt giữ 9 người để điều tra các hoạt động của một hiệp hội cộng đồng người Hoa có tên White Sag. Phó Cảnh sát trưởng Prato, ông Francesco Nannucci, nói nhiều thành viên của White Sag đã đánh đập người Morocco và nhiều người Bắc Phi khác.
Người đứng đầu hiệp hội này và một người nữa bị bắt giữ vào tháng trước để phục vụ điều tra tệ nạn mại dâm và buôn bán ma túy trong các hộp đêm do người Trung Quốc mở.
Theo NLĐ