Sự cố môi trường biển gây thiệt hại ước 4.000 tỷ ở Quảng Bình. |
Sáng 4/7, tỉnh Quảng Bình tổ chức họp đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường biển do công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra ở 4 tỉnh miền Trung vào tháng 4 vừa rồi.
Tại cuộc họp, đại diện các sở ngành và địa phương ước tính thiệt hại trên các lĩnh vực. Cụ thể, ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản và nghề muối tính đến tháng 6/2016 thiệt hại trên 1.255 tỷ đồng, dự kiến hết năm 2016 là 2.300 tỷ đồng.
Tương tự, ngành du lịch ước thiệt hại 1.400 tỷ đồng sau 3 tháng bị ảnh hưởng, và đến hết năm thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Ước tổng thiệt hại năm 2016 của toàn tỉnh Quảng Bình là 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, với bờ biển dài 116km và vùng đặc quyền kinh tế biển hơn 20.000km2, tỉnh đánh giá thiệt hại về môi trường biển và nguồn lợi thủy sản hết sức lớn. Nhà chức trách Quảng Bình đánh giá môi trường sống của nhiều loại thủy hải sản bị phá hủy, có một số loại gần như tuyệt chủng và sản lượng khai thác thủy sản giảm 40-60%.
Các đại biểu dự họp đề nghị thành lập tổ giúp việc để đánh giá sát thực tế, cần thống nhất tiêu chí và cách tính thiệt hại từ Trung ương cho cả 4 tỉnh ảnh hưởng, việc ghi nhận thiệt hại cần chính xác, công bằng, có số liệu cụ thể và tránh bỏ sót người dân bị ảnh hưởng.
Ngành du lịch bị tác động khủng khiếp từ sự cố môi trường biển. |
Ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch UBND Quảng Bình nhấn mạnh sự cố môi trường biển vừa rồi ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng đến đời sống, tâm lý của từng người dân.
“Đặc biệt, ngành nông nghiệp và du lịch đã bị tác động khủng khiếp, nhất là ngành du lịch của tỉnh đã thực sự bị đình trệ”, ông Hoài nói.
Trước tình hình đó, ông Hoài yêu cầu các ngành đánh giá thiệt hại phải “chính xác, đúng luật, công bằng cho người dân, việc đánh giá thiệt hại không chỉ đến cuối năm 2016 mà cần tính đến những năm tiếp theo và lâu dài”.
Dự kiến hết tuần này Quảng Bình hoàn thành đánh giá thiệt hại ở các địa phương, đến giữa tháng 7/2016 tổng hợp để báo cáo Chính phủ.
Tỉnh Quảng Bình cũng vừa thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại với 22 thành viên, do ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND Quảng Bình làm chủ tịch.
Hội đồng này được giao nhiệm vụ đánh giá chính xác thiệt hại sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra trên tất cả các lĩnh vực, đề xuất giải pháp tổng thể khôi phục và ổn định sản xuất.
Theo VNE