Vụ phá rừng Pơmu: Vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu bao che

Thứ sáu, 22/07/2016, 14:33
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định trong công văn hỏa tốc vụ phá rừng Pơmu tại khu vực biên giới Việt - Lào có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu bao che
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh (bên phải) tại một điểm nghi cất giấu gỗ lậu nhưng đã kịp tẩu tán
Sáng nay 22.7, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng phòng tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam cho biết Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao trách nhiệm cho Công an tỉnh làm “đầu mối phát ngôn” về vụ án phá rừng, khai thác gỗ Pơmu trái phép xảy ra tại khu vực biên giới thuộc xã La Dêê, H.Nam Giang.
Đây là một nội dung trong công văn hỏa tốc số 3441/UBND-NC do Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký, gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và lãnh đạo Công an tỉnh, Sở NN-PTNT, Sở Ngoại vụ, BĐBP tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, BQL các khu công nghiệp tỉnh, UBND H.Nam Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo khẩn trương xử lý vụ việc phá rừng, tiếp sau ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang.
“Có dấu hiệu bao che, dung túng”
Theo nhận định của người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam, vụ phá rừng Pơmu trái phép xảy ra tại khu vực biên giới “là vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong địa bàn quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt của khu vực biên giới”.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bên vạt rừng tan hoang tại khoảnh 5 tiểu khu 351
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu nhấn mạnh tình tiết vụ việc có dấu hiệu bao che, dung túng của cá nhân, tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ, vì thế gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt.
“Vì vậy, cần phải truy cứu và xử lý nghiêm túc các sai phạm và làm rõ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan”, ông Đinh Văn Thu nêu ý kiến trong công văn hỏa tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chỉ đạo các Đồn biên phòng và chịu trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để Công an tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ.
Ngoài ra, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Cục Hải quan, Sở NN-PTNT, UBND H.Nam Giang chỉ đạo các tập thể, cá nhân liên quan báo cáo giải trình về trách nhiệm quản lý; tạm thời đình chỉ công tác đối với các cá nhân có dấu hiệu sai phạm để chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng, củng cố bộ máy tổ chức để tăng cường quản lý tốt địa bàn, trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực.
Chính quyền H.Nam Giang phải sớm vận động quần chúng nhân dân tố giác tội phạm và cung cấp các thông tin có giá trị cho cơ quan điều tra.
UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Giám đốc Công an tỉnh lập chuyên án, xây dựng kế hoạch để huy động lực lượng, khẩn trương tổ chức điều tra, củng cố chứng cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm.
Vụ án được Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng phòng hộ Nam Sông Bung khởi tố, sau đó chuyển hồ sơ sang Công an H.Nam Giang thụ lý điều tra từ ngày 14.7, với sự phối hợp của PC46 Công an Quảng Nam.
Diễn biến vụ án hiện đang rất nóng bỏng, sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh phối hợp điều tra làm rõ. Đến thời điểm này, có 3 cán bộ biên phòng, 1 cán bộ hải quan bị đình chỉ công tác.
Thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, 1 trong số 4 cán bộ đã bị đình chỉ công tác
Hợp tác với tỉnh Sê Kông (Lào) để mở rộng điều tra
Công an tỉnh Quảng Nam cũng được giao nhiệm vụ làm việc với Sở An ninh tỉnh Sê Kông (Lào) và các đơn vị chức năng để tổ chức phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm sớm kết luận, đưa ra truy cứu trách nhiệm pháp lý liên quan đến vụ án.
Trước đó, CQĐT phát hiện phía bên địa bàn H.Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào) có dấu hiệu gỗ Pơmu cũng bị triệt phá, cùng với yếu tố địa bàn điều tra nằm ở khu vực đường biên nên đã chủ động thông báo tình hình cho phía Sê Kông.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã gửi công hàm sang tỉnh Sê Kông trao đổi về vụ việc. Giữa 2 tỉnh có chung đường biên giới sẽ họp bàn công tác phối hợp điều tra và một số vấn đề có liên quan khác trong công tác quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.
Tiến độ điều tra đang hết sức khẩn trương và quyết liệt trong đó Công an tỉnh “chủ động kiến nghị các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn, quản lý để phục vụ tốt nhất cho hoạt động điều tra, truy cứu trách nhiệm pháp lý và xử lý sai phạm”.
Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Viết Lợi giữa 2 cây Pơmu cổ thụ bị cưa sát gốc nhưng chưa ngã đổ
Nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam cũng đã khẩn trương vào cuộc
Về vấn đề phát ngôn, Công an tỉnh Quảng Nam hiện được giao làm đầu mối và phải thực hiện đúng quy chế phát ngôn, đảm bảo không ảnh hưởng đến quá trình điều tra.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện công tác thông tin theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định trong giai đoạn điều tra.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh (người được phân công trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ việc) trước đó đã đề nghị báo chí cùng vào cuộc, vừa đưa thông tin trung thực vừa có thể tiếp nhận thêm thông tin để hỗ trợ CQĐT.
Các phóng viên ghi hình phách gỗ Pơmu vứt cạnh tuyến đường tuần tra hôm 20.7
Trả lời PV Thanh Niên sáng nay 22.7, đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết việc giao cho một đầu mối phát ngôn vào thời điểm này là rất phù hợp.
“Vì nhiều đầu mối phát ngôn sẽ dễ làm sai lệch bản chất vấn đề. Công an tỉnh sẽ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về quy chế phát ngôn, đảm bảo phát ngôn chính xác, phục vụ tốt yêu cầu của công tác điều tra và định hướng dư luận”, đại tá Nguyễn Đức Dũng nói.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Đức Dũng cho biết Công an tỉnh cam kết sẽ “kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí”.
Chiều qua, Công an H.Nam Giang và PC46 Công an tỉnh đã bước đầu báo cáo tiến độ điều tra vụ án cho Ban giám đốc Công an tỉnh. “Trên cơ sở đó, Công an tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo xử lý khẩn trương, đúng quy định của pháp luật”, đại tá Nguyễn Đức Dũng nói thêm.

Theo Thanh Niên Online

Các tin cũ hơn