Ảnh chụp vệ tinh trước và sau khi Trung Quốc di rời các bộ phận của hệ thống tên lửa HQ-9 khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. |
IHS Janne’s 360 ngày 21/7 dẫn ảnh vệ tinh của Airbus Defence and Space cho thấy, Trung Quốc đã di chuyển hệ thống tên lửa HQ-9 khỏi vị trí ban đầu dọc bờ phía Bắc đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. Động thái này diễn ra trùng thời điểm Trung Quốc kết thúc đợt tập trận quân sự kéo dài 1 tuần ngay trước phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế của Liên Hợp Quốc về “đường chín đoạn” hôm 12/7.
Ảnh chụp ngày 8/7 này cho thấy, hầu hết các bộ phận của hệ thống tên lửa HQ-9 được che chắn bằng lưới ngụy trang. Nhưng một ngày sau đó, các bộ phận này đã lộ ra và được tập kết gần vị trí đặt radar trên đảo Phú Lâm.
Đến ngày 10/7, chúng được di chuyển đến cầu cảng ở phía Nam đảo, trong khi một tàu đổ bộ Type 072A cũng neo tại đây làm dấy lên đồn đoán rằng Trung Quốc sắp rút HQ-9 khỏi Phú Lâm. Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai hệ thống này đến Phú Lâm ít nhất từ tháng 2/2016 và hiện giờ có vẻ như đưa trở lại Trung Quốc đại lục để bảo dưỡng do ở đây không có cơ sở để bảo trì.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tòa Trọng tài quốc tế ở La Hay bác “đường chín đoạn” đồng thời lên án hoạt động cải tạo, bồi lấp trái phép của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hiện chưa rõ ý đồ rút HQ-9 của Trung Quốc khỏi Phú Lâm, tuy nhiên giới chức Mỹ và giới quan sát quốc tế cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ hung hăng hơn trên Biển Đông sau phán quyết của Tòa Trọng tài.
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không, có thể dùng để đánh chặn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật. HQ-9 có tầm bắn tối đa lên đến 200km với độ cao tác chiến tối đa 30km.
Truyền thông quốc tế hồi tháng 3 cũng dẫn các hình ảnh trên các trang mạng Trung Quốc hôm 21/3 cho thấy Trung Quốc đã trắng trợn phóng một tên lửa hành trình YJ-62 từ đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. YJ-62 được cho là có tầm bắn khoảng 400km.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ trắng trợn tìm cách triển khai các vũ khí tương tự tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ năm 1974. Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như Trường Sa.