Bệnh nhân bị mổ nhầm chân Trần Văn Thảo đang điều trị tại bệnh viện, |
Sai sót mổ nhầm chân trái thành phải cho bệnh nhân trưa 19/7 là một sự cố hy hữu tại bệnh viện lớn như Việt Đức.
Phẫu thuật viên chính - BS Phan Văn Hậu đã bị tạm đình chỉ hoạt động chuyên môn. BS Hậu hiện công tác tại ĐH Y Hà Nội, không thuộc biên chế của bệnh viện Việt Đức.
Theo GS.TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc bệnh viện, sở dĩ BS Hậu được mổ tại bệnh viện do giữa trường ĐH Y Hà Nội với các bệnh viện lớn có cơ chế phối hợp với nhau.
Cụ thể, bệnh viện Việt Đức ra đời ngay sau khi trường Y khoa Đông Dương (tiền thân của ĐH Y Hà Nội) được thành lập, trở thành bệnh viện thực hành của trường y khoa. Thời điểm đó, BS Yersin vừa là Hiệu trưởng nhà trường, vừa là Giám đốc bệnh viện.
Sau Việt Đức, các bệnh viện khác như Bạch Mai, Mắt Trung ương, Phụ sản Trung ương... cũng đều trở thành cơ sở thực hành của ĐH Y Hà Nội.
GS Trần Bình Giang trong buổi họp sau sự cố mổ nhầm chân. |
"Cán bộ của bệnh viện với cán bộ của nhà trường gần như hòa với nhau. Các bộ môn và các khoa phòng trong bệnh viện đều có sự đan xen, làm việc ở bệnh viện nhưng vẫn là cán bộ giảng dạy của nhà trường và ngược lại", GS Giang giải thích.
GS Giang dẫn chứng, trước đây, GS Nguyễn Trinh Cơ, Hiệu trưởng ĐH Y đồng thời là Phó giám đốc bệnh viện Việt Đức, GS Tôn Thất Tùng là Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đồng thời là chủ nhiệm bộ môn Ngoại. trường ĐH Y...
Theo truyền thống đó, rất nhiều cán bộ ĐH Y, chủ yếu tại 3 bộ môn: Ngoại, Gây mê hồi sức; Chẩn đoán hình ảnh cũng vẫn đang làm kiêm nhiệm tại bệnh viện Việt Đức.
GS Giang cho biết, về mặt biên chế, những cán bộ này thuộc ĐH Y Hà Nội và được nhà trường trả lương nhưng làm việc bên bệnh viện là chính, khi có giờ sẽ sang trường giảng dạy.
Hiện mỗi năm bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 2.500 sinh viên trường y về học và thực hành.
"Không thuộc biên chế nhưng họ làm việc như một cán bộ chuyên môn của bệnh viện, thậm chí tham gia công tác lãnh đạo của bệnh viện. Như trước đây GS Hà Văn Quyết, trưởng bộ môn Ngoại là Phó giám đốc bệnh viện. Vừa rồi chúng tôi cũng bổ nhiệm PGS Long làm Phó giám đốc trung tâm đào tạo", GS Giang chia sẻ.
Những bệnh viện lớn khác như Bạch Mai cũng tương tự. Ví dụ GS Nguyễn Minh Thông là Phó chủ nhiệm bộ môn Chẩn đoán hình ảnh đồng thời là Phó giám đốc của bệnh viện; GS Đỗ Doãn Lợi, Phó giám đốc bệnh viện, Viện trưởng Viện tim mạch quốc gia là trưởng bộ môn Tim mạch; GS Nguyễn Lân Việt trước đây là Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội đồng thời là Viện trưởng Viện Tim mạch...
"Do đó biên chế hay không biên chế không quan trọng. Quan trọng là năng lực và hiệu quả làm việc như thế nào", GS Giang nói. Ông cho biết, trước khi cử cán bộ đến bệnh viện làm việc, nhà trường sẽ ký quyết định, sau đó bệnh viện sẽ tiếp nhận.
Về BS Hậu, GS Giang cho biết đã làm việc tại Bệnh viện Việt Đức được hơn 5 năm, là bác sĩ có năng lực, đã thực hiện mổ nhiều ca khó.
"Vì kiêm nhiệm như thế nên ngay khi sai sót xảy ra, bệnh viện đã tự nhận lỗi, tự nhận trách nhiệm hoàn toàn, chúng tôi không bao giờ phủi trách nhiệm đổ cho nhà trường hay không thuộc biên chế", GS Giang nhấn mạnh.