Bên cạnh ý kiến đồng thuận thì cũng có nhiều ý kiến băn khoăn về việc thực hiện, thậm chí e ngại sự vượt luật.
Về việc phạt đèn vàng, có thể nhiều người thấy bất ngờ vì không rõ chức năng hoặc vẫn hiểu đèn này khác đèn đỏ ở chỗ là tín hiệu để chuẩn bị dừng lại chứ không phải là để dừng lại. Thực ra cách xác định lỗi vượt đèn vàng không hề mới. Trước khi có Nghị định 46, nghị định cũ về xử phạt vi phạm giao thông như Nghị định 171/2013 cũng đã quy định lỗi này. Nghị định 46 chỉ khác nghị định cũ về việc gộp hai lỗi vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng vào hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” cùng mức phạt cụ thể.
Quy định này xuất phát từ yêu cầu của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) về ba màu của tín hiệu đèn giao thông. Màu xanh là được đi. Màu đỏ là cấm đi. Màu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Không chỉ đọ với Luật GTĐB, Nghị định 46 còn đảm bảo phù hợp với các luật khác có liên quan như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính… Vậy nên “có cái gì đó sai sai” về tính hợp luật của nghị định là một mối lo không có cơ sở.
Hai điều cần lưu ý thêm có lẽ là mức phạt cao như nhau giữa hai lỗi vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng (theo quy định cũ thì đỏ bị phạt nặng hơn vàng) cùng khả năng thực thi của người dân lẫn lực lượng CSGT.
Theo Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, Cục CSGT (C67), Bộ Công an, phải phạt bằng nhau để thay đổi thói quen không hay lâu nay của nhiều người. Đó là khi thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng thì lại đạp ga tăng tốc để cố vượt qua ngã ba, ngã tư, gây xung đột với dòng xe được phép di chuyển.
Có thể nhiều người không được thuyết phục ngay nhưng đâu là căn cứ khoa học để phản bác lý lẽ này thì xem chừng không dễ tập hợp. Bởi lẽ Luật GTĐB không quy định lỗi vượt đèn đỏ nghiêm trọng hơn, chưa có thống kê vượt đèn vàng gây hậu quả ít hơn, các nước trên thế giới cũng quy định khác nhau về việc này...
Trước mắt, có thể thống nhất là để giúp người lái xe chủ động tính toán, giảm tốc độ nhằm dừng được trước vạch dừng, tránh tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” thì đi kèm đèn vàng phải có đồng hồ đếm ngược. Đề nghị xác đáng này của nhiều người cần được ngành giao thông kịp thời thực hiện đầy đủ.
Ngoài ra, để việc phạt nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông, trong đó có lỗi vượt đèn vàng sai luật, được triển khai thuận lợi, ngành công an cần giải thích rõ ràng từng thắc mắc phát sinh. Như hiểu đơn giản, “đi quá vạch dừng” là khi thân xe (bánh trước của xe máy, mũi xe của nhiều loại ôtô…) tiếp xúc với vạch dừng, tức không thể là toàn bộ xe...
Theo PLO