Lãnh đạo VKSND Tối cao vừa yêu cầu Vụ 3 kiểm tra, xem xét lại vụ việc "không khởi tố lãnh đạo Vinaconex", kết quả báo cáo gửi tới lãnh đạo Viện.
Viện cho hay việc không khởi tố những lãnh đạo trên không được dư luận đồng tình và tạo ra tiền lệ xấu khi xử lý các vụ án tương tự.
Liên quan vụ việc, ngày 31/5, TAND TP.Hà Nội đã trả hồ sơ vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" làm 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà để yêu cầu làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân nguyên là thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex và lấy lời khai của nguyên đơn dân sự là đại diện (Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex).
Ngày 15/7, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) có kết luận điều tra bổ sung, xác định sau 18 lần vỡ đường ống nước Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex đã phải bỏ ra 13,4 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa, 177.000 hộ dân không được cấp nước trong thời gian 343 giờ... Thiệt hại là đặc biệt nghiêm trọng.
Đường ống nước sạch sông Đà gặp sự cố gần 20 lần, gây thiệt hại 13 tỷ đồng sau 6 năm đưa vào hoạt động. |
Ngoài 9 bị can đã khởi tố, cơ quan điều tra cũng xác định một số thành viên Hội đồng quản trị của Tổng công ty Vinaconex gồm các ông Phí Thái Bình (nguyên Chủ tịch HĐQT, sau này là Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội), Nguyễn Văn Tuân, Tổng Giám đốc, Tô Ngọc Thanh, Hoàng Hợp Thương và Vũ Đình Chăm (đều là thành viên HĐQT) có hành vi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.
Những người này bị xác định đã ra quyết định thay đổi vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thiếu năng lực gây nên hậu quả như trên là có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", theo điều 229 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên cơ quan điều tra cho rằng những người này vi phạm lần đầu, nhân thân tốt, khai báo thành khẩn, không có vụ lợi nên không truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo nhiều luật sư và chuyên gia kinh tế, việc không khởi tố các sếp này là bỏ lọt tội phạm vì tất cả các lý do trên chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xử lý.
Theo VNE