Với Bắc Kinh, bà Clinton “khó nhằn” hơn ông Trump

Thứ bảy, 30/07/2016, 09:11
Nếu ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Trung Quốc sẽ dễ thỏa thuận hơn. Nhưng các di sản ngoại giao của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton chắc chắn khiến bà trở thành người khó chịu đối với Bắc Kinh.
Tỷ phú Donald Trump sắp trở thành ông chủ Nhà Trắng?

Sau đại hội của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton chính thức trở thành người đại diện cho đảng này để cạnh tranh với ông Donald Trump trong cuộc đua vào tháng 11 tới. Khả năng bà Clinton trở thành Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ không dễ chịu gì đối với Trung Quốc, giới quan sát nhận định.

Cứng rắn trong chính sách đối ngoại

Năm 2010, bà Clinton (khi đó đang là Ngoại trưởng Mỹ) gây phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh khi bà đẩy vấn đề Biển Đông lên vị trí đầu tiên trong chương trình nghị sự an ninh của Mỹ ở khu vực.

Khi Tòa Trọng tài được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ra phán quyết bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bà Clinton lên tiếng hoan nghênh phán quyết này, nói rằng Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của Mỹ. Bà cũng cho rằng, các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết và theo đuổi các biện pháp đa phương, hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Cùng với những lời lẽ cứng rắn của bà về vấn đề nhân quyền và vai trò trong chính sách “tái cân bằng” sang châu Á-Thái Bình Dương của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc, nhưng không được yêu thích, theo các quan chức và học giả Trung Quốc.

“Clinton sẽ là một đối tác khó khăn”, Reuters dẫn ý kiến của một quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc. Quan chức này thừa nhận ông chưa biết nhiều về ông Trump, chưa biết ứng viên này đại diện cho điều gì.

Trung Quốc vẫn nhớ rõ một hội nghị thượng đỉnh an ninh Đông Nam Á năm 2010 tại Hà Nội khi bà Clinton nhấn mạnh vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, nói rằng một cách tiếp cận mở và các giải pháp ngoại giao là “lợi ích quốc gia” của Mỹ và “đóng vai trò quan trọng trong an ninh khu vực”.

Đáp lại một cách gay gắt, Trung Quốc nhấn mạnh Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của họ, có tầm quan trọng như Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương. Đang gia tăng hiện diện trên Biển Đông, quân đội Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao cuộc bầu cử Mỹ. “Hillary rất khó chịu khi nói về Trung Quốc”, một quan chức Trung Quốc thân cận với giới quân đội nước này nói với Reuters.

Chính phủ Trung Quốc gần như im lặng về đợt bầu cử Mỹ sắp tới, nhưng truyền thông nhà nước Trung Quốc không kiềm chế. Một tờ báo thậm chí ví ông Trump với Hitler.

Hồi tháng 5, hãng thông tấn Xinhua viết rằng, chiến dịch tranh cử của ông Trump biệt lập hơn so với bà Clinton - người thường được mô tả là nhà ngoại giao lão luyện và ủng hộ chính trong chính sách “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương mà Trung Quốc coi là mối đe dọa.

“Như cách bà ấy quan tâm, cứng rắn trong chính sách đối ngoại có lẽ là cách tốt nhất để thể hiện cái gọi là ‘sự lãnh đạo’ của Mỹ”Xinhua viết trong bài bình luận.

Bà Laura Rosenberger, cố vấn chính sách đối ngoại của bà Clinton khi còn làm việc trong Bộ Ngoại giao, nhận định, bà Clinton sẽ vẫn cứng rắn về vấn đề Biển Đông. “Bà ấy tin rằng, chúng tôi cần mạnh mẽ trước nhiều hành động mà Trung Quốc đã làm”, bà Rosenberger nói.

“Bà ấy tin vào các nguyên tắc tự do hàng hải trong các vùng biển quốc tế, rằng thương mại trên biển cả có vai trò vô cùng quan trọng đối với Mỹ, và rằng đó là những lợi ích rất trực tiếp mà chúng tôi cần tiếp tục bênh vực”, bà Rosenberger cho biết.

Nhân tố bí ẩn

Trong khi đó, ông Trump cũng đã chọc tức Bắc Kinh với những phát biểu khó nghe, như so sánh thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc giống như cưỡng hiếp, nhưng ông Trump vẫn là nhân vật mà Bắc Kinh chưa hiểu rõ lắm, các nhà phân tích nhận định.

Cố vấn của tỷ phú Trump, ông Peter Navarro, một nhà kinh tế học tại ĐH California Irvine và là tác giả cuốn sách “Hổ thu mình: Ý nghĩa của chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc đối với thế giới”, cho rằng, nếu ông Trump trở thành Tổng thống thì sẽ dẫn tới sự tôn trọng.

“Khác biệt chính giữa chính quyền Trump và chính quyền hiện nay hay chính quyền Clinton là sự tôn trọng. Lãnh đạo của Nga và Trung Quốc sẽ tôn trọng ông Trump, sẽ tôn trọng Mỹ và chúng tôi sẽ mạnh về kinh tế, quân sự và chính trị”, ông Navarro nói.

Ông Trump có lẽ sẽ tìm thấy một số sự đồng cảm ở Trung Quốc, ngay cả khi tỷ phú này vẫn còn là nhân tố chưa được hiểu hết. “Trump là ai? Chúng tôi không thực sự biết. Nhưng chúng tôi biết ông ta ghét người Hồi giáo, và điều đó có thể được một số người ở Trung Quốc đón nhận”, một quan chức Trung Quốc giấu tên nói, ngụ ý về quan điểm của Trung Quốc đối với vấn đề Tân Cương.

Trung Quốc cũng coi ông Trump là một doanh nhân nên có thể thương lượng được. “Người Trung Quốc coi điều đó là có thể giao dịch được. Ông ấy là một doanh nhân và họ (người Trung Quốc) nghĩ họ sẽ đạt được thỏa thuận với ông ấy”, một nhà ngoại giao phương Tây tại Bắc Kinh nói. Ông Trump có thể sẽ không cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền như bà Clinton - người luôn xung khắc với Bắc Kinh về vấn đề này.

Dù Trung Quốc hy vọng ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 thì cũng phải hiểu rằng hai nước cần nhau và phải phối hợp chặt chẽ với nhau, một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc nhận định. “Đó là quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới. Trung Quốc cần Mỹ và ngược lại”, nguồn tin giấu tên nói.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn