Tìm phương án cứu cây Xích Tùng 700 năm tuổi bị bão số 1 quật đổ

Thứ bảy, 30/07/2016, 08:28
Thêm một cây Xích Tùng cổ, loài cây gắn liền với văn hóa tâm linh của Di tích Yên Tử, vừa bị đổ gục sau cơn bão số 1, nâng tổng số loại cây này bị chết lên tới 19 cây. Việc cứu rừng Xích Tùng cổ tại Yên Tử đã trở nên cấp bách chứ không chỉ còn là dự án nằm trên giấy.

Trao đổi với PV sáng 29/7, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử (Quảng Ninh), cho biết, do ảnh hưởng của bão số 1, ngày 28/7, một cây Xích Tùng cổ khoảng 700 tuổi nằm gần nhà ga cáp treo Yên Tử số 3 đã bị đổ gục.

Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn làm nền đất mềm ra, kèm với gió to, trong khi cây Xích Tùng cổ này tán rất nặng nên đã bị bật rễ, nghiêng cây và đổ.

Cũng theo ông Dũng, phương án xử lý tạm thời là dùng một số cây gỗ để chống và đỡ cho cây không đổ hẳn; sau đó chờ tạnh ráo mới dùng thiết bị kéo cây ngược lại để dựng thẳng lên. Nếu xử lý khi đất ướt, cây sẽ bung rễ và chết.

Việc rừng Xích Tùng cổ có nguy cơ chết dần cũng đang là vấn đề được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, nhiều chuyên gia về lĩnh vực này đã được mời vào cuộc để tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp cứu rừng cây này.

Quảng Ninh, Yên Tử đang tìm cách cứu rừng Xích Tùng cổ quý. Trong ảnh là đường Tùng, Yên Tử, nơi tập trung nhiều cây Xích Tùng cổ.

Trước đó vào ngày 27/4, UBND TP.Uông Bí (Quảng Ninh) đã tổ chức Hội thảo tham vấn chăm sóc, bảo tồn cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử. Hội thảo này nằm trong khuôn khổ Dự án “Chăm sóc, bảo tồn các loài cây Xích Tùng cổ tại Rừng Quốc gia Yên Tử, giai đoạn 2016-2020” với tổng vốn đầu tư lên tới 27 tỷ đồng.

Tại Hội thảo, các yếu tố khách quan và chủ quan gây hại, tác động đến sự phát triển của loài cây này đã được các nhà nghiên cứu đưa ra, như tuổi thọ của cây, điều kiện địa lý, khí hậu tự nhiên của Rừng quốc gia Yên Tử, sâu bệnh hại, giải pháp bảo tồn chưa phù hợp, tác động của con người...

Nhiều biện pháp chăm sóc, bảo tồn cây Xích Tùng cổ cũng được đề xuất tại đây. Theo đó dự án sẽ thực hiện 2 phần việc song song: chăm sóc những cây Xích Tùng cổ bị sâu bệnh (mỗi cây Xích Tùng sẽ có một phương pháp điều trị riêng tùy theo bệnh); Nhân giống để tạo một lớp cây kế cận.

Ngoài ra có thể sử dụng các giải pháp cơ giới như: kè đắp gốc, trụ đỡ, chằng néo để bảo vệ đối với những cây Xích Tùng cổ có nguy cơ đổ gãy do sâu bệnh, trơ gốc, chèn ép...

Theo ông Lê Tiến Dũng, hiện Rừng Quốc gia Yên Tử còn 232 cây Xích Tùng cổ, tập trung tại Am Dược, Đường Tùng, chùa Hoa Yên.

“Có đến 60% số cây bị bệnh, có nhiều loại bệnh khác nhau, có cây thì gãy cành, cây thì sâu, nấm. Hiện đơn vị tư vấn đã tiến hành khám cho từng cây một, sau đó sẽ có phương án xử lý, chăm sóc với từng cây. Về dự án “Chăm sóc, bảo tồn cây Xích Tùng…”, hiện chúng tôi đang đợi các cấp phê duyệt, đã trình thiết kế kèm theo dự toán rồi mới triển khai được”, ông Dũng nói.

Theo Dân Trí


Các tin cũ hơn