Formosa lấp đường ống xả thải trái phép ra địa bàn xã Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh sau khi bị người dân phát hiện. |
Trong khi đó ĐB của Kon Tum nêu vấn đề, nên xem xét lại sự tồn tại của dự án này một khi hàng loạt câu hỏi không có câu trả lời chắc chắn.
Formosa kéo lùi sự phát triển
Theo ông Trần Công Thuật, cử tri Quảng Bình cho rằng ảnh hưởng sự cố môi trường biển do Formosa gây ra là rất nặng nề, hết sức nghiêm trọng, nó kéo lùi sự phát triển của tỉnh Quảng Bình, cả về kinh tế, xã hội.
“Formosa đã làm cho kinh tế Quảng Bình điêu đứng, lòng dân không yên, bà con rất bức xúc, phẫn nộ lên án hành động hủy hoại môi trường biển của Formosa. Vì vậy, nhân dân và cử tri Quảng Bình đề nghị Chính phủ nhanh chóng giải quyết những khó khăn cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, trong đó có chính sách hỗ trợ ngư dân mà đến nay nhân dân chưa được hưởng”.
Đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cử tri Quảng Bình, ĐB Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thiệt hại do Formosa gây ra không chỉ là hàng trăm, hàng triệu tấn hải sản mà còn là những thiệt hại trực tiếp, gián tiếp, cả hữu hình và vô hình. Đặc biệt theo ông Đồng, thiệt hại về hệ sinh thái vô cùng lớn và việc xử lý, khắc phục phải mất nhiều chục năm.
“Hiện nay người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống trong lo âu, đời sống sản xuất - kinh doanh của người dân trên địa bàn các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các sản phẩm đánh bắt, kể cả hải sản gần bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ. Vì thế, các tàu cá ở vùng biển xa cũng như gần bờ, trong thời gian vừa qua gần như nằm yên hoàn toàn, người dân phải kiếm sống, mưu sinh bằng những nghề khác”, ông Đồng nói.
“Việt Nam cần tôm, cần cá, cần thép, nhưng liệu có cần Formosa tới 70 năm không - một quả bom môi trường nằm sát kề, ai cũng lo lắng”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Công Thuật nêu ý kiến. |
Đề cập việc gần đây, dư luận và cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện thêm nhiều sai phạm của Formosa như chôn lấp chất thải bừa bãi ở một số xã trái phép, với mức độ nguy hại hơn, ông Trần Công Thuật đề nghị cần sớm xử lý một cách kiên quyết với các hành vi này.
“Nhân dân và cử tri Quảng Bình mong muốn các cơ quan chức năng khẩn trương, sớm trả lời khi nào thì đánh cá gần bờ được, khi nào ăn cá, hải sản được? Khi nào môi trường biển an toàn được. Chúng ta vừa cần tôm, cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa tới 70 năm không - một quả bom môi trường nằm sát kề, ai cũng lo lắng”, ông Thuật nói và bày tỏ sự không hài lòng khi sự cố xảy ra dư luận, người dân rất lo lắng thì một số đồng chí lãnh đạo các cơ quan chức năng lại phát biểu trả lời thiếu cơ sở khoa học, mơ hồ, cảm tính, không chính xác và thiếu thuyết phục khiến cho tình trạng phức tạp hơn, làm cho người dân lo lắng và bức xúc hơn.
Xem lại sự tồn tại của dự án Formosa
Đề cập việc xử lý Formosa, ông Thuật cho rằng, việc báo cáo của Chính phủ nêu: “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại” không được cử tri Quảng Bình đồng tình. Cử tri đề nghị thay câu khác cho phù hợp. “Đây là đạo lý của người Việt Nam nhưng không thể lạm dụng lòng tốt này của người Việt Nam trong sự việc do Formosa gây ra”, ông Thuật nói.
Cũng theo ông Thuật, sau khi Formosa gây ra sự cố, cử tri đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, vì sự cố môi trường do Formosa gây ra đã ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân, an ninh trật tự xã hội và lòng tin của nhân dân.
“Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không? Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này”. ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) |
Đồng tình với ý kiến trên, ĐB Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị việc quan trọng Quốc hội cần làm là tìm ra câu trả lời thật rõ ràng minh bạch về trách nhiệm liên quan đến việc sai phạm của Formosa; Nhanh chóng rà soát lại văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân; Có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức.
Đến từ Kon Tum, nhưng ĐB Tô Văn Tám lại bày tỏ sự trăn trở về sự khốn khổ mà người dân 4 tỉnh miền Trung đang phải chịu đựng. Ông Tám cũng khẳng định, hệ lụy xả thải chưa thể chấm dứt dù Formosa đã nhận lỗi và bồi thường.
“Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không? Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án này”, ông Tám nói.
Ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT “giải trình” trước QH về sự cố Formosa. |
Formosa chuyển 250 triệu USD bồi thường
“Giải trình” với QH về sự cố Formosa xả thải gây ô nhiễm biển miền Trung, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, đến ngày 28/7 phía Formosa đã chuyển số tiền bồi thường ban đầu là 250 triệu USD. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đang tiến hành xử phạt các hành vi vi phạm hành chính đối với Formosa với 53 sai phạm.
Ngoài ra, Bộ cũng đang thực hiện một kế hoạch toàn diện khắc phục hậu quả do Formosa gây ra, từ vấn đề kỹ thuật công nghệ cho đến các vấn đề xử lý chất thải, nước thải và khí thải… Triển khai các hệ thống ứng phó với sự cố môi trường như: hồ sinh học để chứa đựng nước trước khi thải ra biển, hệ thống quan trắc trực tiếp để giám sát.
Ông Hà cho biết thêm, các thông tin về chất lượng môi trường, dự kiến ngày 15/8 sẽ trình Hội đồng các nhà khoa học để đánh giá mức độ và giải pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi các hệ sinh thái, môi trường. Xây dựng một dự án để giám sát và quan trắc chất lượng môi trường biển trên toàn bộ các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng.
Bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Hà cho biết thêm, số tiền 250 triệu USD bồi thường đã được Formosa chuyển vào một tài khoản tạm giữ. Phần còn lại sẽ được chuyển tiếp vào ngày 28/8.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết ngoài quyết định hỗ trợ bước đầu đã thực hiện trong gần 4 tháng qua, Bộ đang tiến hành một đề án hỗ trợ thiệt hại đối với ngư dân khai thác và nuôi trồng thủy sản, làm muối và các ngành nghề khác. Bộ NN&PTNT cũng đang chuẩn bị đề án phục hồi, tái tạo nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái biển ở khu vực này.
Theo Tiền Phong