Khó đong đếm thiệt hại về môi trường
Báo cáo về tình hình, nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục sự cố môi trường gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung của Chính phủ cho biết, về kinh tế, sự cố đã làm 17.682 tàu thuyền khai thác hải sản với 40.966 người trực tiếp, 176.285 phụ thuộc bị ảnh hưởng. Đối với khu vực khai thác hản sản ngoài 20 hải lý, chỉ có 50 – 70% tàu tham gia đánh bắt, trong khi đó tại khu vực khai thác hải sản trong 20 hải lý, có tới 90% tàu lắp máy dưới 90CV và 3.964 tàu không lắp máy phải nằm bờ. Sản lượng hải sản khai thác ven bờ và vùng lộng bị thiệt hại ước tính khoảng 1.600 tấn/tháng.
Dịch vụ hậu cần thủy sản và nghề muối cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do việc tiêu thụ hải sản, giá sản phẩm khai thác ngoài khu vực 20 hải lý giảm từ 30 – 50% so với cùng kỳ năm 2015, sản phẩm khai thác trong khu vực 20 hải lý không bán được. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá gồm chế biến hải sản, các cơ sở nước đá, bán dầu, nhu yếu phẩm, gia công lưới cụ, buôn bán hải sản, dịch vụ cảng cá bị ảnh hưởng làm giảm thu nhập của khoảng 19.500 người.
Tại 4 tỉnh bị sự cố, tỷ lệ khách hủy tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 – 50% so với cùng kỳ 2015, đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra từ 10 – 20%.
Về môi trường, Chính phủ báo cáo, hệ sinh thái biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, san hô chết nhiều, có khoảng 115 tấn hải sản tự nhiên (chủ yếu là hải sản sống ở tầng đáy) bị chết trôi dạt vào bờ, số hải sản tự nhiên bị chết chìm xuống đáy biển còn khá lớn.
Số cá chết này có thể làm nước bị phú dưỡng, tiếp tục gây ô nhiễm. Các rạn san hô, sinh vật phù du, cá tự nhiên chết trên diện rộng có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi thức ăn tự nhiên trong hệ sinh thái biển, dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thuỷ sản của khu vực.
Nghiên cứu sơ bộ của Bộ TN-MT, Bộ Nông nghiệp, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ cho thấy, đa dạng sinh học vùng triều bị suy giảm, có những nhóm sinh vật giảm tới 50%. Diện tích các rạn san hô bị tác động trực tiếp là 450ha, trong đó một số điểm khảo sát ban đầu đã ghi nhận trung bình có đến 40-60% rạn san hô bị phá huỷ. Nguồn lợi động vật, nhất là động vật đáy khu vực từ Hà Tĩnh đến Hải Vân (Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng) giảm sút.
Đáy biển vẫn phủ lớp màng keo độc
Nói về các biện pháp để khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường biển, cơ quan báo cáo nêu rõ về việc quan trắc chất lượng môi trường nước biển, đánh giá về tồn lưu ô nhiễm và các giải pháp khắc phục. Từ khi sự cố xảy ra, việc quan trắc hàng ngày tại các bãi tắm từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế vẫn được duy trì đến thời điểm hiện nay. Chương trình quan trắc môi trường biển ven bờ, gần bờ và xa bờ từ Thanh Hoá đến Quảng Nam được thự hiện với tần suất, mật độ được tăng cường tối đa với 50 điểm quan trắc vùng ven bờ, 27 điểm gần bờ và 16 điểm xa bờ.
Kết quả quan trắc cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, môi trường biển và trầm tích khu vực ven bờ và gần bờ tại 4 tỉnh bị ô nhiễm đối với một số thông số như Sắt, Phenol, Amoni… Tuy vậy, đến nay, môi trường nước biển đã dần được hồi phục, hầu hết các thông số đã đạt ngưỡng cho phép đảm bảo an toàn.
Chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá ô nhiễm biển tại 4 tỉnh này cũng được triển khai từ 15/6 với 36 tuyến khảo sát vuông góc với đường bờ biển (146 điểm), tổng chiều dài khoảng 348km để đánh giá trầm tích, sinh vật phù du, sinh vật đáy, hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và mẫu keo tụ trên san hô, các nền đáy cứng. Thợ lặn đã triển khai ghi hình, quay video hệ sinh thái dưới đáy biển ở các khu vực này.
Kết quả quan trắc thể hiện mức độ ô nhiễm môi trường nước có xu hướng giảm dần theo thời gian, chất lượng nước biển đảm bảo an toàn cho mục đích tắm biển, du lịch. Tuy nhiên, hình ảnh ghi nhận cho thấy, vẫn tồn tại lớp huyền phù, màng bám keo tụ tại các khu vực san hô, đá cứng và một số khu vực trầm tích dưới đáy biển. Mức độ ô nhiễm và tính chất của hợp chất ô nhiễm sẽ được đánh giá chính xác khi có kết quả phân tích mẫu trong tháng 8.
Việc xử lý ô nhiễm tồn lưu toàn khu vực được dự kiến thực hiện trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017.
Xử phạt Formosa bằng tiền, buộc bổ sung cơ sở xử lý xả thải trước khi vận hành
Về việc giám sát hoạt động xả thải, xử phạt vi phạm hành chính và việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa Hà Tĩnh.
Từ cuối tháng 5, Bộ TN-MT đã hoàn thành lắp đặt 2 camera theo dõi, giám sát hoạt động quan trắc liên tục, tự động tại Formosa, gửi về Sở TN-MT Hà Tĩnh, Tổng Cục môi trường Bộ TN-MT. Bộ cũng yêu cầu Formosa tiếp tục lắp đặt hệ thống lấy mẫu tự động.
Phương án xây lắp trạm quan trắc tự động bên ngoài hàng rào công ty để thuận tiện theo dõi, giám sát, lắp đặt quan trắc nước thải của hệ thống xử lý sinh hoá và bể tràn lưu giữ nước thải một thời gian trước khi xả ra biển, sử dụng bể chỉ thị sinh học để kiểm soát chất lượng nước thải.
Tới đây, Chánh thanh tra Bộ TN-MT sẽ ban hành Quyết định xử phạt với Formosa với hình thức xử phạt chính là phạt tiền và buộc DN này khắc phục các vi phạm đã được phát hiện. Bộ TN-MT yêu cầu đơn vị phải khắc phục, bổ sung hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường với từng bộ phận, nhà máy, xưởng sản xuất, yêu cầu chậm nhất là 31/12/2017, trước khi đi vào vận hành chính thức.
Chuyển hồ sơ xử lý hình sự vụ chôn lấp chất thải chui Với việc chôn lấp chất thải của Formosa đã phát hiện vừa qua, Bộ đã lấy mẫu chất thải và phân tích theo nhiều thông số. Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, sẽ tiến hành phân tích đối chứng ở 3 phòng thí nghiệm khác nhau. Căn cứ vào kết quả phân tích mẫu và mức độ vi phạm, Bộ TN-MT sẽ xử lý nghiêm đối với chủ nguồn thải. Theo đó, Formosa phải chịu trách nhiệm thu gom, xử lý toàn bộ chất thải đã phát hiện. Bộ cũng yêu cầu xử lý với Cty CP xây dựng quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh – đơn vị nhận vận chuyển và xử lý chất thải của Formosa. Đồng thời, khi hoàn tất hồ sơ về việc này, Bộ TN-MT sẽ chuyển cho Công an tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, xử lý hình sự theo quy định. |
Theo Dân Trí