Qua điều tra tại hiện trường và lần theo đường đi của số gỗ khai thác trái phép, cơ quan điều tra xác định đường dây phá rừng xuyên quốc gia do một ông trùm điều khiển.
Lãnh đạo Bộ Tư lệnh Biên phòng vào hiện trường chỉ đạo điều tra. Ảnh: Bộ đội Biên phòng cung cấp |
Một cán bộ điều tra cho biết, ông trùm của đường dây này rất kín tiếng, ẩn mình rất sâu.
“Căn cứ” của đường dây khai thác gỗ pơmu này được đặt trên đất Lào dưới vỏ bọc là xưởng mộc chuyên đóng bàn ghế, giường, tủ…
Lào đóng cửa rừng
Để điều tra xử lý dứt điểm vụ phá rừng khu vực cửa khẩu Nam Giang, lãnh đạo và cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông và Quảng Nam ngày 26/7 đã có cuộc trao đổi và bàn phương án phối hợp cùng điều tra, xử lý.
Lãnh đạo 2 tỉnh Sê Kong và Quảng Nam hội đàm để truy tìm và triệt phá đường dây phá rừng xuyên quốc gia |
Cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông đã cung cấp toàn bộ diễn biến vụ phá rừng và giải mã vì sao lâm tặc lại tấn công vào khu vực rừng giáp ranh tại khu vực cửa khẩu Nam Giang.
Phó giám đốc Sở An ninh tỉnh Sê Kông, Thượng tá Thạ Visắc Phết Phu Luổng khẳng định: Vụ phá rừng pơmu tại địa bàn giáp ranh giữa Lào với huyện Nam Giang đã diễn ra từ tháng 6 đến nay. Rừng phía Lào bị tàn phá và sau đó tấn công vào khu vực biên giới của Việt Nam, nơi có trữ lượng lớn gỗ pơmu quý hiếm.
Qua điều tra tại hiện trường, cơ quan chức năng tỉnh Sê Kông đã xác định có 131 gốc pơmu bị triệt hạ. Hiện nay, số gỗ pơmu đã khai thác này đang nằm trong rừng, đang được công an bảo vệ.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo truy tìm lần theo dấu vết đường dây phá rừng |
Ông Sổm Vắng Khăm Mạ Vông - Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Sê Kông thông báo: Ngày 13/5, Thủ tướng Lào đã ra quyết định đóng cửa rừng và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, không xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang nước khác, không cho gỗ quá cảnh qua Lào, đóng cửa tất cả các doanh nghiệp gỗ. Các đơn vị này muốn hoạt động phải tuân thủ các quy định chặt chẽ.
Vì vậy, các đối tượng lâm tặc hoạt động trên địa bàn buộc phải chuyển ra vùng giáp biên giữa hai nước để dễ hoạt động. Số lượng hơn 44m3 gỗ pơmu bị phát hiện ở Quảng Nam là con số nhỏ so với các tuyến biên giới khác giáp Lào.
Hiện trường khu vực rừng bị tàn phá |
Phó tỉnh trưởng kiêm Trưởng Ban chỉ đạo công tác biên giới tỉnh Sê Kông, ông Thả Von Phôm Mạ Lay Lụn khẳng định Chính phủ Lào hiện không cấp quota xuất khẩu gỗ, bao gồm gỗ nguyên khối và cả gỗ thành phẩm, mặc dù số gỗ khai thác trước đó còn tồn lại rất nhiều.
Qua điều tra của công an Quảng Nam, kiểm đếm tại hiện trường, phía Việt Nam có 43 gốc pơmu bị chặt hạ và 27 gốc nằm bên kia biên giới.
Theo Vietnamnet