Điểm yếu chết người của phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ năm, 28/07/2016, 10:26
Với sự bài bản “không hề nhẹ”, phe đảo chính suýt chạm tới thắng lợi ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên họ không tránh khỏi thất bại do có một số điểm yếu lớn.

Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15/7 chắc chắn là một sự kiện lớn của năm 2016. Quyết định đảo chính có thể xuất phát từ tình hình bất ổn của quốc gia này, thái độ “Hồi giáo hóa” của Tổng thống Thổ Erdogan cũng như khả năng các lãnh đạo của cuộc đảo chính có nguy cơ bị mất chức (bị sa thải hoặc thậm chí bị bắt) sau một đợt “chấn chỉnh” quân đội dự kiến diễn ra vào tháng 8 hoặc cuối tháng 7.

Binh sĩ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đầu hàng cảnh sát và dân chúng.

Cuộc đảo chính gặp phải bối cảnh bất lợi khi không nhận được sự ủng hộ của đa số quân đội (nhất là tầng lớp tướng lĩnh chóp bu) cũng như đa số người dân địa phương – những người lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị rơi vào vòng xoáy hỗn loạn nếu đảo chính thành công.

Dư luận quốc tế thời gian qua thường bình luận rằng cuộc đảo chính được tổ chức một cách yếu kém và không có chỗ dựa chắc chắn trong quân đội nên tất yếu phải thất bại.

Tuy nhiên thực tế chỉ ra rằng cuộc đảo chính nổ ra vào 15/7 không hề nhỏ về quy mô và nó có cơ hội chạm tới thắng lợi.

Đảo chính đã nổ ra đồng thời ở cả thủ đô Ankara và thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul, với sự tham gia của bộ binh, đặc nhiệm, xe tăng, trực thăng, và máy bay tiêm kích. Theo nhiều nguồn tin mới đây, lực lượng chủ mưu gồm cả các vị tướng 4 sao. Số lượng tướng bị bắt do âm mưu đảo chính lên tới hơn 100 người, chiếm tới 1/3 tổng số tướng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. (Trong khi đó thông tin trước đây thì cho rằng sĩ quan đảo chính chủ yếu là cấp giữa).

Đáng lưu ý, lực lượng xuống đường trực tiếp chống đảo chính chủ yếu là cảnh sát dân sự và dân chúng. Bộ phận quân đội không tham gia đảo chính đã chủ yếu án binh bất động – đây rõ ràng là một thuận lợi lớn cho phe đảo chính.

Quân đảo chính đã giành được yếu tố bất ngờ và duy trì yếu tố đó trong ít nhất vài tiếng đồng hồ. Trong giai đoạn đầu, họ đã áp đảo về binh lực. Họ đã phong tỏa nhiều địa điểm xung yếu trong hệ thống giao thông ở 2 thành phố này, chiếm giữ tháp kiểm soát không lưu của sân bay Ataturk (Istanbul), kiểm soát được các đài truyền hình nhà nước, chiếm được các tổng hành dinh Lục quân và Hiến binh, tấn công vào dinh Tổng thống, trụ sở cơ quan tình báo quốc gia cùng một đại bản doanh của lực lượng cảnh sát...

Máy bay tiêm kích của phe đảo chính bay thấp và gầm rú trên bầu trời thủ đô Ankara, tạo sức thị uy lớn.

Không những vậy, phe đảo chính đã tổ chức được các đội “hành động” tỏa đi lùng bắt các mục tiêu có giá trị cao về mặt chính trị. Cụ thể, họ đã bắt được Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, các tư lệnh Không quân, Hải quân và Hiến binh.

Bắt hụt

Mặc dù vậy, đối với các mục tiêu quan trọng nhất, họ đều thất bại. Phe đảo chính có vạch kế hoạch bắt giữ cả Tổng thống Erdogan lẫn Thủ tướng Yildirim nhưng đều thực hiện không thành công. Lực lượng đảo chính đã cử hàng chục lính đặc nhiệm đi trực thăng tới khách sạn mà Tổng thống Erdogan tá túc trong kỳ nghỉ mát ở khu nghỉ dưỡng Marmaris (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng khi họ tới nơi thì ông Erdogan đã chạy trốn (cũng bằng trực thăng) được ít nhất là một tiếng đồng hồ. Sau đó đám binh sĩ này còn phải đọ súng sứt đầu mẻ trán với các cảnh sát địa phương trung thành với Tổng thống ở khu vực khách sạn.

Tổng thống Erdogan bên những người ủng hộ ở sân bay Ataturk (Istanbul). Ảnh: Reuters.

Vụ bắt hụt Tổng thống Erdogan báo trước thất bại của phe đảo chính.

Sau đó máy bay tiêm kích đảo chính phát hiện ra chuyên cơ của Tổng thống Erdogan, đã khóa mục tiêu lên đó rồi nhưng cuối cùng chẳng làm gì và để yên cho máy bay của ông Erdogan thoát đi.

Lộ kế hoạch đảo chính

Theo nguồn tin riêng của trang Al Monitor (chuyên trang về Trung Đông), vận đen đã liên tục đổ lên đầu nhóm đảo chính ngay từ đầu. Trang tin này tiết lộ, giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) - ông Hakan Fidan đã phát hiện ra âm mưu đảo chính và thông báo cho các tướng lĩnh cấp cao bên trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để cùng phối hợp ngăn chặn.

Vẫn theo trang Al Monitor, phe đảo chính biết kế hoạch bị bại lộ nên đã quyết định ra tay sớm hơn kế hoạch là 6 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, cuộc đảo chính nổ ra vào tầm tối (thời điểm không thuận lợi lắm) chứ không phải lúc nửa đêm hay rạng sáng hôm sau, và do vậy gặp nhiều bất lợi.

Việc bất ngờ thay đổi thời điểm đảo chính cũng khiến công tác chỉ huy của nhóm đảo chính bị xáo trộn. Đã vậy, theo Al Monitor, tướng Semih Terzi – một nhân vật quan trọng của phe đảo chính đã bị một sĩ quan cấp dưới sát hại. Điều này đã làm cho tinh thần phe đảo chính xuống thấp và hệ thống chỉ huy tác chiến của họ bị trục trặc nghiêm trọng – giờ thì họ không còn một trung tâm chỉ huy thống nhất nữa và các đơn vị đảo chính sẽ không được phối hợp nhuần nhuyễn với nhau.

Trang Al Monitor cũng tiết lộ việc MIT gây bất ngờ cho binh sĩ đảo chính khi cơ quan tình báo này đưa vào sử dụng các súng cao xạ 12,7mm. Chính các súng phòng không do MIT triển khai đã ngăn chặn trực thăng đảo chính đổ quân xuống trụ sở MIT, cũng như bảo vệ cho Dinh Tổng thống trước quân đảo chính.

Al Monitor cho rằng nhóm biệt kích đi bắt Tổng thống Erdogan đã hành động theo thời gian của kế hoạch cũ. Bên cạnh đó, tướng Umit Dundar, tư lệnh quân đoàn 1 ở Istanbul, cũng cảnh báo cho ông Erdogan về hoạt động đảo chính nên ông Erdogan đã rời Marmaris sớm, khiến quân đảo chính vồ hụt ông này.

Sai lầm chết người

Các cuộc đảo chính không phải là cách mạng hay khởi nghĩa (phương thức giành chính quyền trên diện rộng, từ dưới lên). Đảo chính thường diễn ra ngay trong cơ cấu chính trị cao nhất và nhằm thay đổi nhóm cầm quyền cụ thể chứ không hướng tới việc phá bỏ toàn bộ hệ thống nhà nước và tạo ra nguy cơ nội chiến. Nếu phe đảo chính tỏ rõ họ đang làm chủ tình thế thì các nhóm khác sẽ dễ ngả theo họ.

Người dân bên một chiếc xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trên đường phố trong vụ đảo chính.

Thế nhưng trong cuộc đảo chính vừa qua ở Thổ Nhĩ Kỳ, phe đảo chính đã không kiểm soát một cách hiệu quả hệ thống viễn thông và truyền thông, và do đó đánh mất cơ hội cuối cùng để xoay chuyển tình hình.

Lực lượng đảo chính mới chỉ kiểm soát được các đài phát thanh truyền hình nhà nước và bất lực trước các đài truyền hình tư nhân. Thứ nhất, họ chậm cử người tới các đài tư nhân. (Khi lực lượng tạo phản đưa quân tới kênh CNN Turk thì trước đó Tổng thống Erdogan đã liên lạc được và phát biểu với hãng này qua điện thoại có video người gọi). Thứ hai, khi tới nơi họ không biết cách khống chế làn sóng điện của các đài tư nhân như là CNN Turk.

Sau khi bị bắt hụt, ông Erdogan vẫn được tự do kêu gọi người dân xuống đường phản đối biểu tình. Ngoài ra ông và các cấp dưới của mình còn tận dụng sức mạnh “khủng khiếp” của các mạng xã hội để lên án phe đảo chính.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy quân đảo chính đã không kiểm soát được hệ thống viễn thông di động, nên thông tin phản đối đảo chính lại càng lan rộng khắp xã hội Thổ Nhĩ Kỳ mà không thể cản ngăn.

Việc ông Erdogan xuất hiện trên truyền hình (thông qua ứng dụng trên điện thoại iPhone) đã gây tác động tâm lý mạnh lên dân chúng. Ông tuyên bố mình vẫn an toàn và chính phủ của ông kiểm soát tình hình. Không những vậy, ông còn lôi kéo được thêm quần chúng bằng câu nói thống thiết “Không có quyền lực nào cao hơn quyền lực của nhân dân”.

Đến lúc này thì phe đảo chính không còn khả năng chống đỡ nữa. Cuộc đảo chính đã chuyển từ cuộc đấu nội bộ ở thượng tầng quyền lực thành cuộc đối đầu giữa nhóm binh sĩ đảo chính và đông đảo người dân.

Như vậy mặc dù được thiết kế khá chuyên nghiệp, cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại nhanh chóng do bị tình báo MIT phát hiện (theo giả thuyết nêu trên) và lúng túng trong cách xử lý vấn đề truyền thông. (Dĩ nhiên còn nhiều nguyên nhân khác nữa).

Đây mới chỉ là nhận định ban đầu vào thời điểm nửa tháng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. Xung quanh cuộc đảo chính này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được làm rõ trong thời gian tới.

Theo VOV

Các tin cũ hơn