Đó là nhà báo Nguyễn Sơn, sinh năm 1966, du học tại Liên Xô suốt 15 năm. Nhà báo Nguyễn Sơn từng làm việc qua các tờ báo Người lao động, Vietnamnet, Lao động. Hiện anh là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Si phim.
Chiến sự nổ ra ở đất nước Hồi giáo Afghanistan, phóng viên một số báo ở nước ta đã lên đường để theo dõi cuộc chiến này song tất cả họ mới chỉ đến được nước láng giềng Pakistan. Nguyễn Sơn là phóng viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào được lãnh thổ Afghanistan.
Sau 15 năm, lần đầu tiên Nguyễn Sơn kể lại vài cảm nghĩ của anh với bạn đọc Trí Thức Trẻ về những ngày tác nghiệp trong chiến trường này.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Kỳ 1: Chiến tranh không phải trò đùa
Làm phóng viên chiến trường thật là vi diệu: một cuộc chiến tranh, cả thế giới dõi theo từng diễn biến và bạn có mặt ở chính chỗ đó! Tuy nhiên, khác với một cuộc dạo chơi hay du lịch mạo hiểm, bạn cần có những chuẩn bị nhất định.
"Chiến tranh là ngày hội của báo chí"
Năm 2001, khi Mỹ ném bom Afghanistan để trả đũa việc chính quyền nước này (Taliban) che giấu Osama bin Laden, kẻ bị cho là đã tổ chức cuộc tấn công đánh sập tòa Tháp đôi WTC của Mỹ, giới báo chí rất hoan hỉ.
"Chiến tranh là ngày hội của báo chí" mà!
Hồi đó, ý tưởng cử phóng viên đi chiến trường bắt đầu từ báo An ninh thế giới (PV Nguyễn Quang Thiều). Sau đó báo Thanh Niên (PV Lê Ngọc Thịnh) và Tuổi Trẻ (PV Cam Ly) cũng đi.
Chị Hằng Nga, Tổng Biên tập báo Người lao động yêu cầu Phòng Quốc tế của báo lên phương án cử phóng viên đi. Tôi không dự cuộc họp đó.
Đến chiều thì anh Thẩm Tuyên (Tổng Thư ký toà soạn) lên phòng tôi nói chuyện. Anh bảo: "Họ đi thì mình cũng phải đi thôi, chứ áp lực bạn đọc mạnh lắm, không đi không được. Nhưng mình cũng chưa biết đi thì có vào thẳng điểm nóng được không.
Tôi bảo: "Em nghĩ một số báo đi không đúng hướng. Đúng là Taliban đang nắm chính quyền ở Afghanistan, nhưng sự can thiệp của Mỹ sẽ làm lệch lợi thế về cho Liên minh Phương Bắc.
Quan chức Taliban giờ đây chỉ toàn lo kiếm chác vì họ biết họ sẽ tồn tại không lâu nữa. Nếu không mang theo rất rất nhiều tiền thì không thể vào được, vì họ sẽ ưu ái cho các tờ báo giàu. Em nghĩ có đi thì đi theo hướng Tadjikistan để vào với Liên minh Phương Bắc. Họ thắng tới đâu, ta theo tới đó".
Nhà báo Nguyễn Sơn |
Nhà báo Nguyễn Sơn (giữa) và Thượng tướng Tư lệnh (trái) và Đại tá Phó tư lệnh Trường Võ bị của Liên minh Phương Bắc. Ảnh chụp tại thủ đô kháng chiến của Liên minh Phương Bắc Khojamakhauddin năm 2001. Ảnh nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp |
Chiều tối thì Ban Biên tập quyết định cử tôi đi. Tôi bảo: "Em sẽ luôn giữ thế hợp pháp của chuyến đi, tức là giấy tờ đầy đủ".
Ba kịch bản như sau:
Đến được biên giới Tadjikistan-Afghanistan: xác suất thành công 100%, em xài hết của tòa soạn 4.000 USD.
Vào được chiến khu của Liên minh Phương Bắc: xác suất thành công 50%, em xài tổng cộng hết 7.000 USD.
Vào được thủ đô Kabul hiện do Taliban nắm giữ: xác suất thành công 10%, em xài tổng cộng hết 10.000 USD".
Trưa hôm sau thì tôi nhận 10.000 USD của Toà soạn và lên đường.
Những lá cờ xin ăn và chiếc sơ mi ngàn đô bị buộc nhúng bùn
Các cụ bảo "xảy nhà ra thất nghiệp". Đi chiến trường, mà lại chiến trường của người khác, còn tệ hơn nữa.
Tôi được Tòa soạn trang bị laptop, máy ảnh kỹ thuật số. Ngoài quần áo, lọ dầu gió, thuốc Tây, nhang đuổi muỗi, xà phòng, kem đánh răng,.. xếp vào ba lô, vợ tôi còn mua cho một ít tã giấy khổ lớn đề phòng "nửa đêm đau bụng quá mà không dám đi ra ngoài".
Giấy giới thiệu tư cách phóng viên chiến trường của nhà báo Nguyễn Sơn do Liên minh phương Bắc cung cấp. Ảnh nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp |
Suốt buổi sáng trước khi đi, tôi nhờ các thầy cô bên trường Ngoại giao dịch giúp cái "Lá cờ xin ăn" ra tiếng Pháp, Ả rập và tiếng Hindu nữa. Tiếng Postu và Tadjik thì không ai biết để giúp cả.
Nghe những câu viết ra để dịch như "Tôi đói, Tôi khát, Tôi cần sự giúp đỡ y tế",… cô bạn đi cùng sụt sịt suốt.
Qua Moscow, tôi mua thêm cái túi ngủ và con dao bấm phòng thân. Đến Dushanbe, thủ đô Tadjikistan, tôi có thêm thịt hộp, kẹo chocolate, lương khô nữa. Tôi tự nghĩ trang bị thế là hoàn hảo lắm.
Thế nhưng, vừa qua phà vào đất Afghanistan, trời sập tối, tôi thấy thiếu ngay cái đèn pin (hồi đó điện thoại chưa có đèn pin).
Khi dừng xe giữa đồng không mông quạnh thì tôi tiếc là con dao bấm nhỏ quá, lẽ ra phải mang theo mã tấu (haha, tôi đùa). Về đến nhà khách Bộ Ngoại giao của Liên minh Phương Bắc thì thấy thiếu cuốn Kinh Coran.
Hôm ra chiến tuyến, tôi mặc cái sơ mi trắng, mấy bạn an ninh bắt thay bằng được. Khi biết tôi toàn sơ mi trắng, các bạn ấy lầu bầu rất lâu bằng tiếng Tadjik (chắc là chửi đi chiến trường mà ngu thế) rồi kiên quyết bắt tôi khoác cái áo da lót lông Fendi màu lạc đà của tôi ra ngoài vì màu đó ít nhiều giống màu đất.
Trực thăng Mỹ thả hàng cứu trợ ở Tahgor-thị trấn do Liên minh phương Bắc mới chiếm được từ tay Taliban, nằm ở phía Tây Bắc Kabul. |
Cô bạn của The Boston Globe đi cùng còn khổ hơn: họ bắt cô ấy chui vào WC, cởi cái áo hàng hiệu gì đấy cả ngàn USD ra cho họ mang đi nhuộm bùn rồi cứ ướt sũng thế mà leo lên xe.
Hôm đó nóng hơn 40 độ, nên chỉ một lúc thì áo cô ấy khô và bong bùn, còn tôi lại ướt sũng vì mồ hôi.
Không thể mặc áo màu sáng mà ra chiến trường được.
Đôi giày Salamander trứ danh của tôi cũng gây ra không ít phiền toái.
Sau hôm đầu tiên ở Khoja Bakhauddin, lái xe của tôi lục trong hố rác của nhà khách Bộ Ngoại giao được 6 cái lon sữa bò, cẩn thận cắt được 6 miếng lót giày, chập 3 mỗi bên lại cho tôi. Được hơn chục ngày thì nó bung ra. Tôi phải thuê đôi giày quân dụng của tụi an ninh 100 USD một ngày, tiếc tiền hùi hụi.
Ăn mày trong những bộ đồ hàng hiệu bậc nhất nước Ý
Tiền là vấn đề sống còn với phóng viên chiến trường. Nếu bạn không có một kế hoạch tài chính chính xác thì bạn có thể sa vào thảm họa.
Cùng phòng tôi ở nhà khách Bộ Ngoại giao là một phóng viên truyền hình Milan. Cậu ấy hết tiền, nhà đài chưa cử được người mang tiền vào cho cậu, còn thẻ, cạc các loại đều vô tích sự với chiến trường hết.
Các đồng nghiệp người thì cho cậu nửa gói lương khô, 200-300 USD,… Tôi cũng mở ba lô cho cậu 2 hộp thịt, còn hứa khi nào về sẽ cho cậu đi nhờ qua biên giới.
Cậu ta chỉ lấy 1 hộp, bảo: "Cậu còn ở đây lâu, sẽ thiếu đấy. Lúc nào ăn, cậu nhỏ người ăn 2/3 đĩa cơm trộn thôi, cho tớ 1/3 còn lại là tử tế lắm rồi. Còn về thì phải nhờ nhà đài tiếp viện thôi, chứ tớ còn nợ nhà khách này hơn 20.000 USD tiền ăn ở".
Túm lại là cậu ta kẹt và làm ăn mày ở chiến trường trong những bộ đồ hàng hiệu hàng đầu của nước Ý.
Tỷ giá là một chuyện đau đầu khác. Tôi ăn một suất cơm trộn dầu và nho khô 20 USD. Nhưng thèm thịt quá là hơn 100 USD ngay. Phiên dịch thì 100-200 USD mỗi ngày. Mua cái gì cũng 100-200 USD hết.
Trước khi vào Afghanistan, tôi đổi sẵn một tệp tiền 1 và 5 USD để tiện bo cho các bạn ấy. Chẳng bao giờ dùng. 100 USD gần như là đơn vị nhỏ nhất. Lúc đầu tôi rất kinh ngạc, nhưng sau thì hiểu: tiền USD ở đây chẳng dùng làm gì được. Mà bọn buôn lậu ngoại tệ thì bị xử bắn hết rồi.
Kỹ năng mặc cả cũng vô cùng quan trọng. Xe không leo núi được, bạn thuê ngựa 100 USD một ngày, nhưng nếu lớ ngớ là 2-300 USD ngay. Đổ xăng là chuyện lớn: tôi tính trọn gói vào giá thuê xe và tài xế đổ.
Còn cô phóng viên Newsweek xinh đẹp làm thẳng một bình 700 USD (!). Cô bảo: "Rẻ chán. Bọn "thầy thuốc không biên giới" cho thuê xe còn tính bình xăng 1.000 USD".
Theo Soha