Bộ trưởng TN & MT Trần Hồng Hà (ngoài cùng bên trái) dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra hệ thống xử lý nước thải ở Formosa ngày 28/4. |
Công bố toàn diện thiệt hại môi trường
Theo Chính phủ, đây là sự cố môi trường biển nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta. Hậu quả, ngoài việc làm thuỷ hải sản chết, ngư dân mất việc, 40-60% rạn san hô bị phá hủy. Sự cố môi trường cũng tác động xấu đến hoạt động du lịch trong khu vực 4 tỉnh bị ảnh hưởng.
Tỷ lệ khách hủy tour khoảng 50%, công suất sử dụng phòng giảm từ 40 đến 50% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt tại Hà Tĩnh, công suất sử dụng phòng sau thời điểm sự cố xảy ra chỉ từ 10 đến 20%. “Những thiệt hại môi trường sẽ được điều tra, đánh giá toàn diện và công bố vào đầu tháng 8/2016”, Chính phủ cho biết.
Chính phủ cũng đánh giá, khi sự cố xảy ra, các cơ quan và địa phương liên quan chưa nhận thức được tính chất phức tạp của vụ việc nên đã thông tin, báo cáo chưa kịp thời. Quá trình đấu tranh để buộc Formosa thừa nhận trách nhiệm gây sự cố là hết sức khó khăn, phức tạp vì công tác thu thập hồ sơ, chứng cứ đấu tranh pháp lý gặp nhiều trở ngại, mất thời gian.
Tuy nhiên, với sự quyết liệt, các cơ quan đã buộc Formosa phải thừa nhận 53 sai phạm hành chính, trong đó có những hành vi như thay đổi trái phép công nghệ luyện cốc từ công nghệ dập cốc khô (dùng khí trơ) sang công nghệ dập cốc ướt (dùng nước), không xây lắp bể lọc của Trạm xử lý nước thải sinh hoạt theo cam kết trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.
Về xã hội, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận sự cố gây tâm lý bức xúc, bất an trong dân, làm giảm lòng tin của người dân. Người dân nghi vấn về sự đúng đắn, đầy đủ của quá trình thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư, xây dựng, vận hành nhà máy ở Hà Tĩnh, giảm lòng tin vào khả năng của các cơ quan trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về môi trường. Sự cố để lại hệ quả bất an trong xã hội, người dân lo lắng về việc mất sinh kế, thất nghiệp, nợ nần, phá sản do không tiêu thụ được cá và sản phẩm hải sản. Nguy cơ mất an ninh trật tự xã hội cũng tiềm ẩn.
Sẽ xử nghiêm tổ chức, cá nhân có thiếu sót
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và UBND tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan làm rõ trách nhiệm đối với những thiếu sót của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thủ tướng cũng đã giao Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý nếu phát hiện có thiếu sót, dẫn đến vi phạm.
Theo Chính phủ, sự cố môi trường này là bài học để nhìn nhận, xem xét đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thu hút đầu tư FDI trong thời gian vừa qua, nhất là với các dự án có nguồn xả thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố.
Xác định FDI tiếp tục là nguồn vốn quốc tế quan trọng đối với Việt Nam khi viện trợ phát triển ODA đang có xu hướng giảm, đầu tư gián tiếp khá bấp bênh nhưng cần định hướng FDI chuyển sang chính sách nâng cấp, coi trọng hơn chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội, xác lập hệ thống các tiêu chí giúp sàng lọc, lựa chọn, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, bảo đảm đúng định hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đất nước.
Theo Chính phủ, tới đây, khi gia nhập TPP, Việt Nam được dự kiến sẽ thu hút khối lượng lớn đầu tư nước ngoài vào dệt – sợi và nhuộm, những lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng (nhất là khâu nhuộm). Vì vậy, việc tăng cường giám sát FDI từ góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách. |
Theo Tiền Phong