Hành trình vào chiến trường Afghanistan của nhà báo Nguyễn Sơn là một chuỗi luồn lách và, mưu mẹo và may mắn.
Thoạt tiên, anh rời Việt Nam sang Dushanbe (thủ đô Tajikistan). Nhờ một lá thư giới thiệu của sứ quán Afghanistan ở Moskva, anh đổi được visa du lịch ngắn hạn thành visa ra vào nhiều lần Afghanistan thời hạn 6 tháng kể từ tháng 11-2001.
Không có "thẻ nhà báo quốc tế" là khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên, anh đã được đặc cách cấp thẻ hoạt động báo chí (mang số 3.200) trên lãnh thổ Tajikistan. Tấm thẻ này trở thành tấm thông hành báo chí để Nguyễn Sơn vào Afghanistan.
Ngày 6-11-2001, cùng với vài chục nhà báo quốc tế đi trên 38 chiếc ôtô, Nguyễn Sơn đặt chân đến Afghanistan hoàn toàn hợp pháp vì có đầy đủ thủ tục nhập cảnh do chính quyền Liên minh phương Bắc cấp.
Xin trân trọng trích giới thiệu lại loạt ký sự từ chiến trường Afghanistan của nhà báo Nguyễn Sơn, cách đây tròn 15 năm.
Kỳ 3: Lọt vào rừng rậm thủ tục hành chính trên nước Nga
Máy bay của hãng hàng không Aeroflot hạ cánh xuống sân bay Seremetievo-2 vào lúc 23 giờ đêm (giờ Moskva), chậm hơn lịch trình dự kiến tới 3 giờ đồng hồ. Đó là trục trặc đầu tiên trên đường ra chiến tuyến của tôi, báo hiệu một cuộc hành trình không mấy dễ dàng.
"Nó biết tiếng Nga, cho qua lẹ lên"
Hành khách, tuyệt đại đa số là người Việt Nam sang làm ăn buôn bán ở Nga, ùn lại trước các cửa biên phòng. Tốc độ kiểm tra giấy tờ chậm một cách "dã man": Cứ 15 phút mới qua được một người. Lúc đầu biên phòng chỉ mở 3 cửa, sau đó phải mở thêm 4 cửa nữa mà tình hình cũng chẳng khả quan hơn.
Chuyến bay Hà Nội – Moskva lần trước, biên phòng Nga đã gạt lại tới 30 người, buộc mua vé quay lại Việt Nam ngay lập tức vì các công ty cấp giấy mời cho họ vào Nga đã ngưng hoạt động từ lâu rồi.
Biên phòng Nga chỉ quan tâm đến một điều duy nhất: Công ty cấp giấy mời cho những hành khách sắp vào Nga có còn tồn tại hay không. Đến lượt tôi, cô sĩ quan biên phòng xướng to "Press. Korrespondent".
Cô chỉ huy vội vàng giở cuốn sổ to đùng ghi tên các công ty có chức năng mời lao động nước ngoài vào Nga, nói: "Không có công ty nào thế cả". Cô biên phòng gắt: "Mày ngu thế. Không phải công ty. Nó là phóng viên. Biết tiếng Nga". Cô chỉ huy phản lại: "Mày ngu thì có. Nó biết tiếng Nga thì cho qua lẹ đi".
Thế là tôi qua khỏi biên phòng. Nhìn đồng hồ đã hơn 3 giờ sáng. Chào Moskva.
Nước Nga quen mà lạ
Cảm giác đầu tiên khi trở lại Moskva, sau gần hai năm về Việt Nam, là thành phố đang ở trong tình trạng cực kỳ căng thẳng. Tôi đã từng ở Moskva gần hai chục năm, nhưng chưa bao giờ thấy thành phố trong tình trạng căng thẳng như bây giờ. Trên mọi góc phố, mọi bến tàu điện ngầm, mọi công sở, mọi tòa nhà cao tầng đều có công an và bộ đội đứng gác.
Anh Grant Kosian, phóng viên nhật báo Kommersant, cho biết: Suốt từ ngày 11-9 tới nay, toàn bộ lực lượng công an Moskva đã được huy động đề phòng khủng bố.
Còn sau khi Mỹ bắt đầu tấn công Afghanistan thì chính quyền Moskva phải mượn thêm quân đội vào việc tuần tra cảnh giới những trọng điểm nội thành.
Công việc trước tiên ở Moskva của tôi là đến sứ quán Afghanistan. Khu nhà được bảo vệ hơn mức cần thiết.
Ngoài cổng, ba cảnh sát Nga đứng gác, cộng thêm một cảnh sát trong trạm là bốn. Sau hàng loạt các cửa sắt và chấn song sắt là hai nhân viên bảo vệ người Afghanistan.
Họ yêu cầu tôi bỏ tất cả chìa khóa, tiền bạc, máy ảnh và cởi cả thắt lưng đặt lên bàn, rồi rà đi rà lại xem có còn mảnh sắt nào trong người không. Sau khi tin tưởng rằng tôi không còn bất cứ thứ gì có thể sử dụng làm vũ khí, họ mới cho tôi vào trong.
Tiếp tôi là một nhà ngoại giao Afghanistan trạc ngoài 50 tuổi.
Tôi nói là muốn vào Afghanistan, muốn được tận mắt trông thấy chiến trường từ phương Bắc. Ông cho biết: Cấp thị thực vào Afghanistan không thuộc thẩm quyền của ông ta mà là của phòng lãnh sự. Còn phòng lãnh sự thì kiên quyết: Họ chỉ cấp thị thực báo chí vào Afghanistan cho những người có thẻ nhà báo quốc tế (?) mà thôi.
Tôi quay lại tìm nhà ngoại giao. Ông chặc lưỡi lắc đầu gần 5 phút mới thốt nên lời rằng không thể ngờ được một người "nhã nhặn và hiểu biết" như tôi lại có thể "để quên thẻ nhà báo ở nhà" trong một chuyến công cán quan trọng như vậy.
Tuy nhiên, ông ta cũng mách cho tôi một lối thoát: Bay xuống Dushanbe, nhờ Bộ Ngoại giao Tajikistan "nói khó" với phòng lãnh sự Afghanistan ở đó.
Khu rừng rậm thủ tục hành chính
Tôi lập tức bắt taxi đến sứ quán Tajikistan. Vị lãnh sự xấp xỉ 60 tuổi, rất lịch sự và nhã nhặn tiếp tôi. Ông nói rằng ông chỉ có thể cấp thị thực quá cảnh cho tôi nếu tôi đã có thị thực nhập cảnh vào Afghanistan và đã đặt chỗ trước ở một khách sạn nào đó trên lãnh thổ Tajikistan. Bế tắc!
Tôi nói đại là Việt Nam và Tajikistan là hai nước có quan hệ rất hữu nghị. Trên cơ sở quan hệ hữu nghị đó, tôi tha thiết đề nghị ông giúp đỡ. Ông nói rằng ông biết rõ về tình hữu nghị giữa hai nước hơn ai hết, nhưng quy định là quy định. Ông sắp về hưu, không muốn trước khi về bị "bọn trẻ" bóc mẽ bất kỳ một sai sót nào hết.
Tôi chán nản ra cổng. Tay bảo vệ đi theo, làm hiệu cho tôi dừng lại. Tôi thổ lộ khó khăn của mình. Anh ta bảo: "Cậu cứ ra thẳng sân bay. Ngoài đó lúc nào cũng có nhân viên lãnh sự trực. Có khi anh ta giúp cũng nên".
Tôi lập tức lên đường ra sân bay Demodedovo. Đến nơi mới vỡ ra rằng không hề có nhân viên lãnh sự nào hết, mà vé bay đi Dushanbe cũng chẳng có luôn.
Theo Tri Thức Trẻ