Cuộc sống đảo lộn khi ở cạnh bãi rác Đa Phước

Thứ hai, 29/08/2016, 18:04
Gần 10 năm sống cạnh bãi rác Đa Phước sinh hoạt của người dân bị đảo lộn vì mùi hôi thối. Cá tôm chết hàng loạt khiến nhiều gia đình đứng trước nguy cơ trắng tay.

Khu liên hợp xử lý chất thải lớn nhất Sài Gòn nằm trên địa bàn xã Đa Phước (bãi rác Đa Phước), huyện Bình Chánh, TP.HCM đi vào hoạt động từ năm 2007. Hiện nay, bãi rác này tiếp nhận và xử lý 5.000 tấn rác/ngày.

Sau gần 10 năm vận hành, bên trong khu liên hợp trở thành núi rác khổng lồ, cũng chừng ấy năm nhiều nhà dân sống gần bãi rác khổ sở vì mùi hôi thối.

Hàng rào bãi rác chỉ cách nhà ông Trà Văn Mạnh (số nhà B1/32, ấp 2, xã Đa Phước) một đường đê bao rộng chừng hơn 2m. "Gần chục năm qua chung sống với mùi thối nồng nặc, ô nhiễm của bãi rác, chúng tôi chịu hết nổi rồi. Gia đình khó khăn, giờ chỉ đợi kinh phí hỗ trợ di dời để rời khỏi đây và kiếm nơi ở khác thật xa bãi rác này", ông Mạnh nói.

Hàng xóm ông Mạnh là gia đình bà Trần Thị Bế cũng trong hoàn cảnh tương tự. "Cứ theo chiều gió là cả khu vực sặc mùi thối. Người lớn có thể chịu đựng được nhưng tội cho mấy đứa nhỏ", bà Bế bày tỏ. Bà Bế kể giữa đêm bé Yến thường bị thức giấc, khóc hét lên than hôi, bé lại bị hen nữa nên gia đình rất lo lắng.

Do nước màu vàng từ bãi rác rỉ xuống ao vườn xung quanh nên gia đình ông Mạnh không dám dùng nước khoan để ăn uống mà hứng nước mưa. Mưa liên tục nhưng nước hứng xuống vẫn bị màu đen nên gia đình rất lo không biết có ảnh hưởng đến sức khỏe không.

Gia đình bà Bế thì không dám dùng nước mưa vì màu đen ngòm, có mùi lạ, nước khoan từ dưới đất chỉ để tắm giặt. Mỗi ngày gia đình bà mất một bình nước lọc mua với giá 12.000 đồng.

Những hàng xóm bên cạnh gia đình ông Mạnh, bà Bế đã phải chuyển đi nơi khác.

Cách đây không lâu, gia đình ông Phạm Văn Lăng (số nhà B1/32/1, ấp 2) không thể chờ kinh phí di dời, đã phải làm đơn xin chuyển đi nơi khác sống.

Một căn nhà của hộ khác khóa cửa trong, cổng ngoài, không có dấu hiệu người ở. Trước đó, UBND TP cũng chấp thuận cho Bình Chánh được áp dụng đơn giá đất của dự án Bến Lức - Long Thành trên địa bàn huyện do cùng khu vực và vị trí tương đồng. Mức giá này chính là cơ sở tạm ứng 70% giá trị bồi thường cho các hộ dân đang sinh sống gần bãi rác Đa Phước di dời, tự lo chỗ ở mới.

Phía sau của Khu xử lý rác Đa Phước là hàng trăm hộ dân thuộc ấp 3, xã Đa Phước làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Từ khi bãi rác xuất hiện đã làm cuộc sống của họ thay đổi.

Không những cá tôm trên kênh Rạch Chiếc ngày càng cạn kiệt, mà việc nuôi trồng thủy sản của bà con nông dân cũng đứng trước nguy cơ trắng tay. Các con rạch khu vực này vào cuối 2015 đều bị ô nhiễm.

Người dân "tố" bãi rác xả thải trực tiếp ra kênh Rạch Chiếc trong đêm, gần 200 hộ nuôi cá, tôm tại hai xã Phong Phú và Đa Phước chỉ còn biết bất lực nhìn cá, tôm lần lượt chết trắng ao. Trong ảnh là chai nước chứa mẫu chất thải trong đêm bãi rác xả trộm do một hộ dân bị ảnh hưởng còn giữ lại.

Trong những vụ nuôi tôm tiếp theo nhiều hộ bị thất thu, trắng tay. Tôm sắp đến ngày thu hoạch thì bị chết nổi khắp nhiều ao.

Cuối chiều 26/8, anh Nguyễn Văn Lâm, em trai anh Bình tiếp tục nhặt những con tôm chết vàng dạt vào mé ao.

Ấp 3 có khoảng gần 60 hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp nhưng các vụ tôm gần đây nhiều ao bị trắng tay.

Anh Bình xót xa nhìn đám tôm chết dạt vào bờ nằm dọc ao, đây là ao tôm cuối năm ngoài làm anh tán gia bại sản. Theo chủ ao này, nguyên nhân tôm các ao tại ấp 3 này tiếp tục chết ở các vụ tiếp theo là ao, nguồn nước sông vẫn đang bị ô nhiễm.

Sau vụ tôm mới nhất thất thu khoảng 70 triệu đồng từ 2 ao, anh Huỳnh Hữu Lộc phải đổi vị trí ống dẫn nước vào ao vì khu vực cũ bị nhiễm bẩn gây tôm chết. Còn anh Phan Ngọc Tú cho biết, sau vụ bãi rác xả trộm bị bắt quả tang người dân cũng đâu biết lúc nào nước sông không bị ô nhiễm để lấy nước vào đầm.

Theo Zing

Các tin cũ hơn