10 điều ít biết về bãi rác Đa Phước

Thứ hai, 29/08/2016, 18:16
Dự án bãi rác Đa Phước có diện tích 138ha, được đầu tư 100 triệu USD, hoạt động trong 24 năm, giá xử lý rác cao hơn nơi khác...

1. Rộng 138ha, hoạt động trong 24 năm

Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (còn gọi là bãi rác Đa Phước) khởi công tháng 7/2005 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Dự án dự kiến bao phủ trên diện tích 138ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm.

Trong giai đoạn 1 của dự án, một bãi chôn lấp có diện tích khoảng 30,6ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3 đã được xây dựng. Bãi chôn lấp được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải/ngày. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 11/2007.

2. Nhà đầu tư Mỹ

Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chịu trách nhiệm về thiết kế, xây dựng và vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (DPIWMF).

Đây là công ty được đầu tư 100% vốn từ Công ty California Waste Solution (CWS), có trụ sở tại California, Mỹ. CWS được xếp hạng 31 trong số 100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ do tạp chí Waste Age bình chọn.

Người sáng lập VWS là ông David Dương, Việt Kiều Mỹ. Ông cũng là Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Công ty California Waste Solutions (CWS), Mỹ.

Website của VWS giới thiệu ông David Dương là một chuyên gia trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn dựa trên kinh nghiệm điều hành ba khu liên hợp tương tự tại tiểu bang California. Một số tờ báo Việt Nam gọi David Dương là "vua rác”.

Bãi rác Đa Phước giờ đã thành 'núi rác".

3. Dự án rác trăm triệu USD

Tổng vốn đầu tư vào dự án này là trên 100 triệu USD. Nguồn vốn từ California Waste Solutions (CWS), các ngân hàng Mỹ và Việt Nam.

Theo văn bản giải trình của UBND thành phố vào cuối năm 2005, chi phí của toàn bộ dự án xử lý rác ở bãi rác Đa Phước trong hơn 20 năm là 393 triệu USD, gồm cả chi phí vận hành và chi phí đầu tư. Số lượng rác dự kiến xử lý là 24 triệu tấn.

4. Tranh cãi về công nghệ xử lý

Bãi rác Đa Phước được quảng cáo là hoạt động theo công nghệ của Mỹ rất hiện đại, đặc biệt là trong khâu xử lý nền móng, chống thấm bãi chôn lấp và hạn chế đến mức thấp nhất mùi hôi.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, phía VWS cho rằng do TP.HCM không tổ chức phân loại rác tại nguồn nên rác thải lẫn lộn mọi thứ, không thể tổ chức tái chế hay sản xuất phân compost như kế hoạch ban đầu.

Báo Lao Động dẫn văn bản của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà (nay là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) cho rằng VWS không xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác, nhưng vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các doanh nghiệp khác cũng thực hiện chôn lấp.

5. Đặt nhà máy rác ngay đầu hướng gió

Đến nay, các nhà khoa học vẫn bảo lưu quan điểm về những hạn chế của Bãi rác Đa Phước. PGS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện môi trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Khu xử lý rác Đa Phước được quảng cáo có công nghệ hiện đại, rất tốt nhưng nhưng thực tế thì chưa tốt, mùi hôi thối nồng nặc vẫn còn nhiều và trực tiếp ảnh hưởng đến các khu dân cư lân cận theo hướng gió".

Trong khi đó, chuyên gia tư vấn năng lượng và môi trường Nguyễn Đăng Anh Thi đặt vấn đề: "“Tại sao trong quy hoạch TP muốn phát triển đô thị về phía Đông Nam ở khu Quận 7, Nhà Bè nhưng lại để bãi rác lớn ngay đầu hướng gió biển".

Vị trí của bãi rác Đa Phước nằm đầu hướng gió Tây Nam nên các tháng 6, 7, 8 khi gió hoạt động mạnh có thể đẩy mùi hôi về phía các khu dân cư Nam Sài Gòn.

6. Xin nhập 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ

Theo Chinhphu.vn, năm 2011, Công ty VWS đề nghị nhập khẩu 10.000 tấn phế liệu từ Mỹ để chạy thử nhà máy phân loại rác, công suất 500 tấn/ngày trong khu xử lý rác Đa Phước.

Lý do được VWS đưa ra là vì thành phố chưa có kế hoạch giao rác đã phân loại tại nguồn cho VWS, để có nguyên liệu sử dụng trong quá trình thử nghiệm, kiểm tra dây chuyền sản xuất nhà máy phân loại tái chế trước khi các chuyên gia nước ngoài đưa vào vận hành chính thức và bàn giao.

Thời điểm này, bãi rác Đa Phước vẫn đang tiếp nhận khoảng 3.000 tấn rác thải mỗi ngày.

7. Giá xử lý rác hơn 21 USD/tấn

Năm 2007, giá xử lý rác ngân sách TP.HCM chi trả cho VWS là 16,4 USD/tấn, tăng lên 19,009 USD/tấn năm 2013, đến cuối 2014 là 20,166 USD/tấn và năm 2016 là 21,1 USD/tấn.

TP.HCM khẳng định mức giá này là hợp lý vì bao gồm chôn lấp rác, phân loại tái chế rác, làm phân compost từ rác, không phải là giá xử lý chỉ có chôn lấp rác... Mức giá này sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 3% mỗi năm.

Theo Vietnamnet, Bộ Kế hoạch Đầu tư từng hai lần có ý kiến cho rằng mức giá này quá cao vì cùng thời điểm, dự án của Tập đoàn Lemna (Mỹ, hiện là công ty Vietstar) tại Phước Hiệp (Củ Chi) có mức phí xử lý rác chỉ 5 USD/tấn. Thậm chí, Bộ này còn nhiều lần bác dự án khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước vì cho rằng năng lực tài chính yếu và giá xử lý rác quá cao.

TP.HCM hiện thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD/tấn so với doanh nghiệp khác - nghĩa là phải trả nhiều hơn cho VWS khoảng 3 triệu USD/năm.

Ngân sách TP.HCM chi trả cho VWS về việc xử lý rác.

8. TP.HCM làm sai khi tạm ứng cho VWS 9 triệu USD

Báo Pháp luật TP.HCM thông tin, năm 2009, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc TP.HCM sử dụng 9 triệu USD từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường tạm ứng cho VWS đầu tư xây dựng dự án bãi xử lý chất thải Đa Phước là sai quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam là công ty 100% vốn nước ngoài, phải có vốn đầu tư, sử dụng kinh phí ngân sách là không đúng.

Trước đó 4 năm, trong văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định việc ứng trước 9 triệu USD cho chủ đầu tư là chưa có đủ cơ sở, đề nghị xem xét phù hợp với Luật Ngân sách và dự án được cấp thẩm quyền cho phép.

Bên trong Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước.

9. Đóng cửa Phước Hiệp, dồn rác cho Đa Phước

Năm 2015, UBND TP.HCM chủ trương đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) chuyển khoảng 2.000 tấn rác/ngày về bãi rác Đa Phước. Theo đó, nâng mức xử lý rác của Đa Phước từ 3.000 tấn/ngày lên 5.000 tấn/ngày.

Văn bản của nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà cho rằng việc tăng công suất cho bãi rác Đa Phước của VWS có thể dẫn đến “VWS thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt giá, vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh”, bên cạnh việc TP. HCM phải tốn kém thêm khoảng 10 triệu USD/năm cho VWS…

10. Người dân liên tục phàn nàn ô nhiễm môi trường

Suốt 10 năm bãi rác đi vào hoạt động, người dân Đa Phước và các xã lân cận liên tục gửi kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường quanh bãi rác Đa Phước.

Mới nhất, người dân Đa Phước gửi Đơn cứu xét đến Bí thư Đinh La Thăng và lãnh đạo TP.HCM phản ánh tình trạng hôi thối, ô nhiễm khiến người dân không thể trồng lúa, nuôi trồng thuỷ hải sản, sức khoẻ bị giảm sút.

Theo Zing

Các tin cũ hơn