Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (Ảnh: ABC) |
Theo ABC News, trong cuộc gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi tại thành phố Hàng Châu hôm qua 4/9, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã không ngần ngại đề cập tới vấn đề Biển Đông, một chủ đề mà Trung Quốc vẫn cố né tránh đưa ra bàn thảo công khai tại G20 năm nay.
Theo đó, Thủ tướng Turnbull đã khẳng định lập trường của Australia trong vấn đề Biển Đông, đồng thời hối thúc Trung Quốc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại vùng biển này, trên cơ sở “phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Đáp lại phát biểu của lãnh đạo Australia, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng kêu gọi Canberra tôn trọng lợi ích của Trung Quốc. Theo đó, ông Tập đã nhắn nhủ Thủ tướng Turnbull cần “tôn trọng lựa chọn của mỗi bên trong quá trình phát triển và tôn trọng những lợi ích cốt lõi của nhau cũng như các lợi ích lớn khác”.
Theo Reuters, việc ông Turnbull đưa vấn đề Biển Đông vào cuộc hội đàm với ông Tập được xem là lời “nhắc nhở” của Australia đối với Trung Quốc. Australia từ trước đến nay vẫn duy trì quan điểm ủng hộ tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp hoặc quân sự hóa đảo của Trung Quốc tại khu vực này.
Thủ tướng Australia không phải là lãnh đạo cấp cao duy nhất đề cập tới vấn đề Biển Đông trong cuộc gặp song phương với lãnh đạo nước chủ nhà bên lề hội nghị G20. Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã thẳng thắn trao đổi vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc gặp hôm 3/9. Ông Obama đã nhấn mạnh rằng Bắc Kinh, với tư cách là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cần tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý ràng buộc theo công ước này trong việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông.
Vấn đề đầu tư nước ngoài
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Turnbull, ông Tập nói rằng ông hy vọng chính phủ Australia tiếp tục thực thi chính sách về môi trường đầu tư “công bằng, minh bạch và rõ ràng” cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã tỏ ra không hài lòng về việc Canberra ngăn không cho các nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án mạng lưới điện quốc gia lớn nhất Australia, trị giá 7,7 tỷ USD, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Ngoài ra, Australia mới đây còn xuất bản cuốn cẩm nang phát cho các nghị sĩ nhằm cảnh báo về các dự án đầu tư của Trung Quốc vào nước này. Bắc Kinh gọi đây là các động thái mang tâm lý bảo hộ thương mại của Canberra.
Đáp lại phát biểu trên của Chủ tịch Trung Quốc, ông Turnbull cũng nhắn nhủ ông Tập cần “tiếp tục cải cách kinh tế Trung Quốc” để tạo cơ hội cho việc ra đời các phát minh cũng như đẩy mạnh các hoạt động giao thương và đầu tư.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Australia, đồng thời là nước đầu tư nhiều dự án lớn tại đây.