Ông Obama đặt chân xuống sân bay Hàng Châu bằng thang của máy bay. Ảnh:Reuters |
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có một khởi đầu không suôn sẻ ngay sau khi đặt chân đến Hàng Châu, Trung Quốc tham dự hội nghị G20. Ông đến Trung Quốc lần này với hy vọng sẽ thúc đẩy quan hệ Mỹ - Trung, nhưng theo giới phân tích, một loạt sự cố diễn ra trong ngày đầu tiên báo hiệu sóng gió đang chờ đón phía trước.
Trong khi nguyên thủ các quốc gia khác xuống máy bay ở Hàng Châu đều được trải thảm đỏ tận chân cầu thang, ông Obama rời khỏi chuyên cơ Không lực Một bằng chiếc thang máy bay bình thường. Ngay sau đó, tranh cãi đã nổ ra giữa một quan chức an ninh Trung Quốc với các nhà báo và quan chức Mỹ khi họ tìm cách tiếp cận với ông Obama ở chân cầu thang.
Trong khi một quan chức giấu tên của Trung Quốc nói rằng việc đón tiếp ông Obama bằng thang bình thường không có thảm đỏ là theo yêu cầu của Mật vụ Mỹ, nhiều nhà quan sát lại tỏ ra nghi ngờ điều này.
"Cách tiếp đón Tổng thống Obama và đoàn tùy tùng khi họ đến Trung Quốc là hành động gây tổn thương, ngay cả với tiêu chuẩn của Trung Quốc", tờ NYTimes bình luận.
Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Trung Quốc, người từng làm việc với người Trung Quốc suốt 6 năm, cho rằng Bắc Kinh đã có "tính toán cố ý" trong cách đối xử như vậy với ông Obama và phái đoàn Mỹ. "Những việc đó không phải xảy ra tình cờ, ít nhất là không phải với người Trung Quốc", ông nói. "Đó là môt sự sỉ nhục, một cách để nói rằng 'Ông chả có gì đặc biệt với chúng tôi'. Đây là một sự ngạo mạn kiểu mới của Trung Quốc, như một cách để thể hiện nước này là siêu cường".
Dù ông Obama đã tuyên bố không nên "quan trọng hóa" sự cố này, bình luận viên David Nakamura của Washington Post nhận định những gì đã diễn ra ở Hàng Châu phản ánh mối quan hệ giữa hai cường quốc. Suốt hơn 7 năm qua, quan hệ hai nước ngày càng trở nên căng thẳng và góp phần lớn định hình chính sách đối ngoại của ông Obama ở châu Á.
Quá khứ căng thẳng
Ông Obama là người luôn kỳ vọng có thể cải thiện quan hệ Mỹ - Trung. Năm 2009, chính ông là người tìm cách tiếp cận với lãnh đạo Trung Quốc khi đề xuất hai nước tăng cường tiếp xúc. Ông đã quyết định không gặp Đức Dalai Lama để tránh làm Bắc Kinh nổi giận, và là Tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc trong năm đầu của nhiệm kỳ. Thế nhưng chuyến thăm đó của ông Obama đã bị Trung Quốc kiểm soát gần như mọi mặt.
"Ông ấy không được phép nói nhiều", Orville Schell, một học giả kỳ cựu về Trung Quốc, cho biết. "Người Trung Quốc chỉ cho ông gặp gỡ những người nhất định… Obama không biết phải phản ứng như thế nào, bởi ông không muốn bị coi là thất lễ. Phải mất một thời gian, Mỹ mới hiểu rằng đây là hướng đi của Trung Quốc trong quan hệ với họ".
Một số người cho rằng ông Obama đã thể hiện một lập trường quá lạc quan và cởi mở với Trung Quốc trong những năm đầu nhiệm kỳ. Các nhà ngoại giao Mỹ, cả cựu và đương chức, đều cho rằng hướng đi này của ông Obama không thu được gì nhiều, ngoại trừ cảm giác bị Bắc Kinh "thiêu đốt".
Nakamura cho rằng sau khi vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối thập niên 2000 một cách bình an vô sự, Trung Quốc bắt đầu cảm nhận được quyền lực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại, kể cả cách tiếp cận với Mỹ.
Bắc Kinh không còn muốn nhượng bộ trong các vấn đề quốc tế, từ những vấn đề lớn như tranh chấp lãnh thổ, cho đến những tiểu tiết như ai ngồi ở đâu, nói cái gì trong các cuộc trao đổi ngoại giao.
Theo Jeffrey A. Bader, cách hành xử này của Trung Quốc đã khiến Mỹ nhận ra chính sách "củ cà rốt" của mình đã thất bại, và Washington quyết định áp dụng chính sách "cây gậy", được cụ thể hóa bằng chiến lược "tái cân bằng châu Á" mà chính quyền Obama khởi xướng.
Tương lai gập ghềnh
Tổng thống Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Trung Quốc coi chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ là một hình thức kiềm chế sự trỗi dậy của nước này, và căng thẳng hai nước tiếp tục leo thang, đặc biệt là khi Bắc Kinh ngày càng có những hành động ngang ngược trên Biển Đông. Hai nước tìm cách không thể hiện thái độ thù địch công khai, nhưng ngày càng tỏ ra lo ngại và bực bội với nhau.
Mọi chuyện không hề được cải thiện trong chuyến đi đến Hàng Châu lần này của Obama. Sau những tranh cãi ở sân bay, đến cuối ngày, các quan chức đối ngoại và thành viên phái đoàn Mỹ lại bị an ninh Trung Quốc chặn đường khi đi vào khu ngoại giao đoàn trước lúc ông Obama có các cuộc gặp quan trọng ở đây. Họ đã phải cãi nhau kịch liệt với các nhân viên an ninh Trung Quốc trước khi được phép vào bên trong.
Một cuộc ẩu đả cũng suýt nổ ra giữa một quan chức Trung Quốc tìm cách giúp các nhà ngoại giao Mỹ với một nhân viên an ninh sở tại đang cố gắng ngăn họ lại. "Bình tĩnh, làm ơn, xin hãy bình tĩnh", một quan chức Nhà Trắng đã phải thốt lên.
20 phút trước khi ông Obama gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên vẫn tranh cãi về căn phòng nơi hai nhà lãnh đạo sẽ đàm luận. Phía Trung Quốc cho rằng căn phòng này không đủ chỗ cho 12 nhà báo Mỹ đi cùng đoàn, trong khi phía Mỹ khẳng định vẫn có thể bố trí chỗ cho các phóng viên, nói rằng vấn đề này đã được thỏa thuận từ lâu.
Nakamura nhận định những cãi cọ, bất đồng diễn ra hôm thứ bảy là một minh chứng cho những khác biệt trong cách nhìn nhận của hai bên về nhau, và mọi việc gần như không thay đổi kể từ sau chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Obama năm 2009. Washington và Bắc Kinh vẫn còn quá nhiều những bất đồng, từ những vấn đề trên biển, an ninh mạng, thương mại cho đến nhân quyền.
Đây có thể là chuyến thăm Trung Quốc cuối cùng của ông Obama dưới cương vị Tổng thống Mỹ, và những gì diễn ra trong hội nghị G20 lần này cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ là vấn đề lớn nhất mà người kế nhiệm ông sẽ phải đối mặt ở châu Á, Bader nhận định.
"Cách Tổng thống Mỹ kế nhiệm đối phó với Trung Quốc – mức độ cây gậy và củ cà rốt mà Washington lựa chọn và phản ứng của Bắc Kinh – chắc chắn sẽ định hình khu vực châu Á trong thập kỷ tới", Nakamura nhấn mạnh.
Theo VNE