Người Việt chi 2,7 triệu đồng một năm để 'mua' bệnh ung thư

Thứ năm, 08/09/2016, 08:52
Theo các chuyên gia về ung thư, nguyên nhân gây ung thư phổi chủ yếu do thuốc lá. Thống kê có tới 90% bệnh nhân ung thư sử dụng thuốc lá.

Hình ảnh lá phổi bị ung thư do thuốc lá.

31.000 tỷ đồng mua thuốc lá

Theo thông tin từ Bộ Y tế, thống kê năm 2015 có tới 15,6 triệu người trưởng thành hút thuốc lá. Trong số này, nhiều người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nhai.

Ngày 6/9, Bộ Y tế công bố điều tra toàn cầu về số người trưởng thành hút thuốc, phần thực hiện tại VN năm 2015, cho hay, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lên tới 0,2% người trưởng thành (trong đó tính riêng ở nam giới là 0,1% nam giới trưởng thành, 0,1% nữ giới trưởng thành), và 0,1% người trưởng thành hút sisha, 1,4% dân số dùng thuốc lá nhai.

Theo điều tra kể trên, so với điều tra tương tự thực hiện năm 2010, số người hút thuốc lá ở VN có giảm nhưng chưa nhiều. Cụ thể, tỷ lệ nam giới từ 15 tuổi trở lên hút thuốc hiện là 45,3% (năm 2010 là 47,4%).

Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc giảm rõ rệt ở khu vực thành thị, ở mức 38,7% nam giới thành thị hút thuốc năm 2015, trong khi năm 2010 lên tới trên 45%.

Chỉ trong năm 2015, cả nước đã chi ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Tính như thế, mỗi người Việt Nam gánh 2,7 triệu đồng một năm để mua thuốc lá hút.

Cùng với đó, mỗi năm tiền chi phí cho điều trị các bệnh liên quan đến khói thuốc là 23.000 tỷ đồng, trong đó đặc biệt là căn bệnh ung thư phổi cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người mỗi năm.

Những tử thần được điểm danh trong điếu thuốc

Các chuyên gia của tổ chức HealthBridge Canada đã chỉ ra rằng, trong thuốc lá có chứa trên 1000 chất hoá học, có một số chất gây ung thư như nicotin, hắc ín, benzene, ammonia, một số hoá chất chúng ta đã tìm thấy có trong thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, các chất có trong nước tẩy rửa, nước lau sàn.

Khi điếu thuốc được đốt lên, hơn 7.000 hóa chất được tạo ra, trong đó ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố.

Đặc biệt, các hóa chất cực độc như aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, chất DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết…

Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra những bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Gánh nặng lên lá phổi như thế nào?

Thạc sĩ Phạm Lệ Quyên - Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, trong khói thuốc lá có trên 50 chất, trong số đó gồm cả các hợp chất thơm có vòng đóng như Benzopyrene gây ung thư.

Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá hủy tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

Ảnh hưởng của khói thuốc với lá phổi, theo bác sĩ Quyên, khi hít vào, không khí sẽ vào đường hô hấp trên qua mũi và miệng, nơi không khí được lọc, sưởi ấm và làm ẩm rồi qua khí quản để vào phổi.

Khi khói thuốc đi qua miệng, người hút thuốc bỏ qua cơ chế bảo vệ thứ nhất: quá trình lọc ở mũi.

Ngoài ra, người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn người không hút và khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp kém hơn: do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá huỷ.

Khói thuốc làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và thành phần của chất nhầy. Đôi khi các tuyến tiết nhầy bị tắc làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả là chất nhầy bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trở sự lưu thông trao đổi khí.

Do ảnh hưởng của các chất độc hại trong khói thuốc, đường thở dễ bị co thắt: luồng khí hít vào và thở ra đều bị cản trở do đó hình thành các tiếng ran rít, ran ngáy và có thể bị khó thở. Những người hút thuốc ở tuổi càng trẻ thì thời gian hút để gây ra bệnh liên quan đến đường hô hấp càng ngắn so với những người bắt đầu hút ở tuổi muộn hơn.

Theo thạc sĩ Quyên, các nghiên cứu của Mỹ cho rằng có khoảng 87% trong số 177.000 ca ung thư phổi mới mắc ở Mỹ năm 1996 là do thuốc lá, còn lại là do các nguyên nhân khác, như ô nhiễm môi trường, bệnh nghề nghiệp, ăn uống, cơ địa và các yếu tố di truyền.

Còn trên thế giới, 90% trong số 660.000 ca được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm là người hút thuốc lá.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn