Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton cười tươi trước khi bước vào buổi tranh luận trực tiếp đầu tiên, tối 26.9 |
Cuộc tranh luận trực tiếp giữa ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã kết thúc hiệp đầu tiên đêm 26.9 (giờ Mỹ). Truyền thông Mỹ và quốc tế đều nhận định rằng ông Donald Trump đã bị bà Hillary Clinton áp đảo.
Nhiều chi tiết phản ánh bức tranh chính của cuộc tranh luận này. Sau đây là 5 điểm rút ra từ màn chạm trán trực tiếp giữa ông Trump và bà Clinton, theo CNN.
Ông Trump sập bẫy
Suốt từ đầu cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Donald Trump luôn tự tạo hình ảnh cho mình như một “chuyên gia phản công”. Tuy nhiên trong buổi tranh luận với bà Clinton đêm 26.9, tỉ phú Mỹ lại sập bẫy đối thủ và hứng những đòn “hồi mã thương”.
CNN phân tích ví dụ rằng bà Clinton đã mớm để người dẫn chương trình Lester Holt của NBC hỏi ông Trump về bản khai thu nhập cá nhân. Sau đó, cựu ngoại trưởng Mỹ “bơm” tiếp bằng cách chất vấn rằng phải chăng ông Trump không giàu có như ông nói, không làm từ thiện như ông tuyên bố, hoặc không muốn người Mỹ biết ông khai gì trong tờ khai thuế liên bang... và dường như ông đang giấu diếm gì đó.
Kể cả khi có cơ hội phản công, ông Trump cũng bị đánh giá sai lầm khi không nhắc tới vụ tấn công Benghazi (Libya) năm 2012; mối quan hệ mật thiết giữa Quỹ Clinton (của gia đình Clinton) với Bộ Ngoại giao Mỹ; và cũng chỉ nhắc sơ qua vụ lùm xùm email của bà Clinton.
Điểm sáng của ông Trump
Trong số nhiều mảng tranh luận, có lẽ vấn đề thu nhập và việc làm cho giới công nhân đã mang lại điểm sáng cho ông Trump, CNN nhận định.
Đầu tiên, ông Trump đã xoáy vào sự bất nhất của bà Clinton trong vấn đề Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó vào năm 2012 khi còn làm trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton cho TPP là “tiêu chuẩn vàng”, nhưng hiện bà Clinton lại bày tỏ lập trường phản đối TPP.
Ngoài ra, để đáp lại cái gọi là kinh nghiệm của bà Clinton, ông Trump cũng tỏ ra khá “sáng nước” khi cho rằng, bà Clinton đã làm việc 30 năm trong lĩnh vực chính trị, nhưng chẳng cải thiện được nhiều về điều kiện kinh tế của người Mỹ. Đây là thông điệp sẽ gây ấn tượng đối với các bang như Ohio và Pennsylvania, những bang quan trọng trong việc giành phiếu bầu của ông Trump, theo CNN.
Khi bà Clinton dùng phương pháp thường thấy của các chính trị gia bằng tuyên bố đại loại như “đang nghiên cứu chính sách” về năng lượng mặt trời, ông Trump lại lấy điểm bằng lập luận: Sau 30 năm làm việc, bây giờ mấy người mới nói là chỉ bắt đầu tư duy về giải pháp sao?
Cả hai đều có nói dối (?)
Đây sẽ là điểm trừ khá nặng cho ứng viên Cộng hoà 70 tuổi, vì bộ phận những người kiểm tra lại các chi tiết trong bài tranh luận qua phát hiện ông đã nói sai và nói dối.
Đầu tiên là việc ông Trump bác bỏ việc mình từng đổ lỗi cho “những trò bịp” của Trung Quốc đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế vào năm 2012, ông Trump đã viết trên Twitter: “Khái niệm về sự nóng lên toàn cầu được tạo ra và dành cho Trung Quốc, nhằm khiến Mỹ mất khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất”.
Khi Lester Holt nói rằng Trump ủng hộ cuộc chiến tranh Iraq năm 2002, ông bảo là “sai, sai, sai”. Tuy nhiên, những chuyên gia kiểm tra nói rằng điều đó là có. Thêm vào đó, ông Trump bảo bà Clinton dành cả đời để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhưng thực ra IS mới chỉ thành lập từ giữa những năm 2000, còn bà Clinton năm nay đã 68 tuổi.
Ở phía đối diện, bà Clinton vốn là người nắm số liệu, làm việc với chính sách, nhưng cũng mắc sai lầm. Bộ phận kiểm tra thông tin cho thấy bà Clinton đã khẳng định Nga đứng sau vụ tin tặc tấn công máy chủ của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC), và nói rằng Mỹ thậm chí có khả năng tấn công mạng lớn hơn nhiều, đơn cử như lần lấy thông tin của chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ chính thức nói Nga đứng sau các vụ tin tặc tấn công DNC, và càng chưa bao giờ thừa nhận đã tấn công mạng Iran.
Thêm vào đó, bà Clinton bào chữa cho sự “hai mặt” ở vấn đề TPP, nói rằng bà ủng hộ TPP nhưng sau đó phản đối chỉ vì không đồng tình với các chi tiết thỏa thuận. Thực tế lại cho thấy bà đã hơn 40 lần ca ngợi TPP, nói đây là “sáng kiến chiến lược vốn sẽ củng cố vị trí của Mỹ ở châu Á”.
Bà Clinton “thắng” ở vấn đề chủng tộc
Ông Donald Trump trong buổi tranh luận không thể trả lời xác đáng các câu hỏi về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phát biểu mới nhất về nơi sinh của Tổng thống Barack Obama. CNN nhận xét ông Trump đã quanh co khi bị người dẫn chương trình Lester Holt chất vấn.
Ông Trump nhấn không đúng chỗ
Trong phần lớn cuộc tranh luận, hình ảnh đọng lại rõ nét là việc ông Trump chuyên... nhảy vào miệng bà Clinton, ngắt lời bà và trả lời quá thời gian cho phép. Tuy vậy, điều này là vô ích khi ông không nhấn đúng chỗ cần nhấn.
CNN lấy ví dụ rằng khi nói về việc không đối xử đúng mực với phụ nữ, ông Trump giải thích khá dài và tiếp tục cực đoan: “Rosie O’Donnell đấy à, tôi đã nói những điều rất khó nghe với cô ta, và tôi nghĩ ai cũng đồng ý là cô ta đáng bị như vậy, và không ai thấy tiếc cho cô ấy đâu”.
Ngược lại, khi bị “điểm trúng huyệt” ở vụ lùm xùm email, bà Clinton cho thấy sự khôn ngoan khi lấp liếm luôn rằng: “Tôi sẽ không bào chữa. Đó là lỗi của tôi”. Việc này khiến bà Clinton kết thúc câu chuyện gọn gàng, tránh bị sa lầy vào lỗi lầm bản thân mình chưa thể giải quyết.
Trong khi đó thay vì bới móc câu chuyện này, ông Trump chỉ nói thêm rằng “nó còn hơn cả một lỗi lầm”, nhưng lập tức đóng chủ đề ấy lại. CNN cho rằng nếu ông Trump nhắc tới Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey, người cũng chỉ trích gay gắt bà Clinton, câu chuyện sẽ “đậm” hơn nhiều.
Theo Thanh Niên Online