TS Tô Văn Trường. |
Tuần qua, TP.HCM liên tục nhận những trận mưa lớn. Các tuyến đường ngập nặng, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Tiến sĩ Tô Văn Trường – Chuyên ngành Tài nguyên nước và Môi trường đã trao đổi với Zing.vn về những nguyên nhân, giải pháp xử lý ngập ở TP.HCM.
Trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua vào chiều 26/9 và những ngày sau đó, gây ngập lớn ở TP.HCM, theo ông hiện tượng này có gì bất thường không?
Trung bình hàng năm trên cả nước có khoảng 25 đợt mưa lớn trên diện rộng, tập trung từ tháng 4 đến tháng 12. Diễn biến mưa lớn diện rộng có xu thế tăng mạnh trong 20 năm gần đây.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng đây là cơn mưa lớn nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, vũ lượng đo được là 181mm.
Tôi đã xem ảnh mây chiều 27/9 cho kết hợp bản đồ synop, cho thấy hoàn lưu của bão Megi ảnh hưởng đến Nam Bộ. TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ nằm ở phía Nam rãnh gió mùa và gió mùa Tây Nam mạnh kết hợp với điều kiện nhiệt lực lớn vào buổi chiều.
Cơn mưa buổi chiều ngày 26/9 ở TP.HCM tuy rất lớn nhưng vẫn còn kém xa so với trận mưa lịch sử ở Hạ Long (Quảng Ninh) năm ngoái, nhưng cũng đủ biến TP.HCM phải sống trong cơn “hồng thủy”. Còn may cho TP.HCM là cơn mưa lớn ngày 26/9 đang rơi vào đúng thời kỳ triều kém.
Sau khi mưa ngớt, mực nước triều tương đối thấp nhưng nước vẫn thoát rất chậm. Điều này chứng tỏ hệ thống thoát nước TP.HCM rất kém. Nhiều khu vực, khoảng 40% đường không có hệ thống cống thoát nước, hoặc không nối đấu cống trong hẻm ra ngoài hệ thống chung.
Có phải những cơn mưa này là một phần của biến đổi khí hậu? Nó đe dọa như thế nào đến nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng trong công tác chống ngập?
Việt Nam là quốc gia chịu nhiều tác động của bão, lũ và các hiện tượng thời tiết cực đoan, cơ sở hạ tầng và hệ thống liên lạc còn hạn chế nên ảnh hưởng rất nặng nề.
Thiệt hại kinh tế do thiên tai liên quan đến thời tiết và khí hậu trên thế giới và ở Việt Nam có xu hướng tăng lên nhưng có dao động lớn về không gian và giữa các năm. Ước tính thiệt hại GDP hàng năm và thương vong đối với các thiên tai liên quan đến khí hậu, Việt Nam xếp thứ 7 trong giai đoạn 1994-2013.
Ngập sâu trong chiều 26/9 ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM. |
Biến đổi khí hậu làm cho các đánh giá hiểm họa và tính dễ bị tổn thương không chắc chắn. Điều này sẽ gây khó khăn hơn trong việc dự đoán, đánh giá và thông tin rủi ro thiên tai.
TP.HCM phải làm gì để ứng phó nếu hiện tượng cực đoan như vừa qua liên tiếp xảy ra?.
Mưa lớn ngập đã đành mà mưa nhỏ cũng ngập, chẳng còn khái niệm tần suất ngập gì ở đây nữa. TS Tô Văn Trường |
Mọi hệ thống thoát nước đều phải được thiết kể để đảm bảo thoát nước với tần suất nào đó. Khi xảy ra điều kiện vượt tần suất thiết kế, ngập là không tránh khỏi, chọn tần suất nào thì đó là bài toán kinh tế.Tuy nhiên, vấn đề của TP.HCM là ngập triền miên.
Mưa lớn ngập đã đành mà mưa nhỏ cũng ngập, chẳng còn khái niệm tần suất ngập gì ở đây nữa. TP.HCM đã tiêu tốn hàng chục nghìn tỷ đồng và sẽ tiếp tục tốn nữa cho hệ thống thoát nước, thì rõ ràng đã có sai sót lớn ở cách giải quyết bài toán chống ngập.
UBND TP nắm tiền trong tay và có toàn quyền chọn người, chọn đơn vị giải quyết chuyện ngập lụt mà những người họ chọn làm không xong thì đó là lỗi của họ. Họ không tự chọn mà ủy quyền cho sở này, trung tâm kia chọn và chọn không xong thì cũng là họ đã "chọn mặt gửi vàng" không đúng chỗ.
Vì vậy, theo tôi, TP.HCM phải rà soát lại công tác quy hoạch thoát nước theo lưu vực, liên quan đến 3 nguyên nhân gây ngập như mưa lớn, triều cao và xả nước từ thượng nguồn về, kết hợp hài hòa giải pháp công trình và phi công trình.
TP.HCM cần xây dựng đủ hệ thống cống mới, đấu nối đồng bộ cửa thoát, dành đủ dung tích 17% diện tích đất làm các hồ điều hòa, kênh rạch thoát nước. Bên cạnh đó, chúng ta nên lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tất cả lĩnh vực chính sách xã hội, kinh tế và môi trường, đặc biệt là quy hoạch đô thị.
Theo Zing