Máy bơm "không hết ngập không lấy tiền" tăng tốc chảy gấp 20 lần

Thứ năm, 29/09/2016, 15:28
Trước cam kết “không hết ngập không lấy tiền” từ Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung, nhiều bạn đọc đặt thêm câu hỏi để doanh nghiệp có điều kiện chung tay giải bài toán chống ngập.
Mô hình chống ngập kiểu mới mà Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đề xuất

Sáng 29-9, trao đổi thêm với PVvề chống ngập kiểu mới cho TP.HCM, ông Nguyễn Tăng Cường, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho biết, hệ thống bơm hút chống ngập có thể làm tăng tốc độ dòng chảy trong cống thoát nước khoảng 20 lần so với bình thường.

Tăng tốc dòng chảy trong cống

Ông Cường cũng cho rằng nếu sử dụng máy bơm bình thường chống ngập, áp lực đẩy nước trong cống của máy bơm có thể làm nước cống tràn lên nhà dân.

Về vấn đề bơm hút nước đổ ra đâu, ông Cường cho biết hệ thống bơm hút do công ty thiết kế sẽ kết nối cuối cống thoát nước cũ của TP và bơm ra sông, kênh rạch.

Khi bơm hút hoạt động, tốc độ dòng chảy trong cống tăng mạnh khiến các điểm ngập rút nước nhanh.

Bơm hút có khả năng đẩy nước ra ngoài kênh dù mực nước trong cống thấp hơn mực nước ngoài sông. Ngoài ra, phần đầu gần nới xả nước được gắn van một chiều ngăn nước từ sông rạch tràn vào.

Bơm hút gồm các bộ phận: thiết bị chắn rác và vớt rác tự động; cụm bơm ly tâm; van ngăn một chiều; xilanh đóng mở van; máy nổ chạy bằng dầu Diezel; đường ống xả rác; ống thống thoát nước chính và hai nhánh thoát nước phụ.

Tùy vào diện tích cống tại các điểm ngập, công ty trên sẽ thiết kế công suất bơm cho phù hợp.

Ngập nước trên đường Trường Sơn, Q.Tân Bình sau cơn mưa lớn ngày 26-8-2016

Theo mô hình, với loại bơm hút có công suất 96.000m3/h, ống bơm dài tới 14,5m, cống thoát nước chính có chiều rộng 1,2 đến 1,6m, hai nhánh thoát nước phụ rộng 0,6m.

Khi đường ngập, hệ thống bơm hút sẽ hoạt động hút nước đẩy ra sông, còn không ngập lượng nước trong cống sẽ chảy bình thường thông qua hai đường ống nhánh.

Ông Cường cho biết ngoài chức năng hút nước, bơm còn có thể hút rác thải, đất đá đưa lên bờ nhằm thông cống, giảm chi phí vớt rác cho TP. Bơm hút ly tâm có thể chịu được trong điều kiện nước có axit và mặn tránh tình trạng hỏng hóc.

Ông Cường cho biết hệ thống chống ngập sẽ được điều khiển tự động, nhân viên chỉ cần ngồi ở căn phòng trung tâm điều khiển hoạt động tất cả các bơm gắn trên địa bàn TP.

Hướng đi đúng

Ông Hồ Long Phi, chuyên gia lĩnh vực thoát nước cho rằng việc sử dụng máy bơm kiểu như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã được một số nước trên thế giới như Mỹ áp dụng.

Ông Phi cũng cho rằng việc áp dụng phương pháp chống ngập như trên là hướng đi đúng. Tuy nhiên do thiết bị bơm này cũng tương đối phức tạp, chỉ thông qua sơ bộ cơ chế vận hành sẽ khó đánh giá được hiệu quả thực sự, ngoài việc triển khai thực tế.

Nếu có khiếm khuyết, qua thực tiễn vẫn có thể điều chỉnh dần cho phù hợp với điều kiện rác, bùn thải, thậm chí đá… trong cống thoát nước ở TP.HCM.

Theo ông Phi, điều băn khoăn với việc triển khai hệ thống này theo ông Phi do lực hút của bơm khá lớn nên khó áp dụng đối với những tuyến cống cũ, mục, hở, sụp…

Vì vận hành trong điều kiện này có thể hút đất, cát… xung quanh các điểm hở, bể bên ngoài cống gây sụp đất tạo những hố sâu xung quanh cống thoát nước.

Còn ông Nguyễn Ngọc Công, giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP, cho rằng đa số những điểm mối nối cống được có lớp ron kín, mặt khác phía dưới cống có lớp vải địa nên sẽ hạn chế hút đất các vào đường ống bơm hút.

Ông Công cho biết đã khảo sát tuyến cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh chuẩn bị triển khai thí điểm lắp đặt bơm hút chống ngập.

Nguyên nhân ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập kéo dài khoảng 100m, diện tích ngập 420m2.

Nguyên nhân gây ngập do thống thoát nước đã đầu tư hoàn thành năm 2008. Tuy nhiên, đoạn cống nằm trong khu vực nền đất rất yếu lún cục bộ, cống thường xuyên bị đầy nước làm hạn chế khả năng thoát nước.

Tuyến cống hộp băng đường thuộc dự án hầm Thủ Thiêm (đoạn hạ lưu) đầu tư có cao độ cao hơn cống dọc 0,5m nên nước thoát về trạm bơm chậm.

Theo TTO

Các tin cũ hơn