Đơn còn gửi đến Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT, Bí thư Thành ủy TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM.
Nội dung đơn nhằm “ngăn chặn” việc Sở GTVT dự định lắp đặt biển báo cấm xe khách từ trên 16 chỗ lưu thông trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn, Trần Nhân Tôn…
Theo ông Thành, các tuyến đường trên là nơi hãng xe Thành Bưởi có các văn phòng giao dịch với khách đi xe hợp đồng, xe liên tỉnh, điểm nhận - trả hàng hóa cho khách gửi theo xe của hãng…
Các văn phòng, điểm giao dịch trên không gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và đường Lê Hồng Phong (có sáu làn xe lưu thông theo hai chiều) là trục giao thông lớn kết nối quận 5 với quận 10 và kết nối với tuyến trục của TP là đại lộ Võ Văn Kiệt…
Cũng theo ông Thành, từ đầu năm 2016, hãng xe Thành Bưởi được các cơ quan của TP.HCM và tỉnh Lâm Đồng thực hiện 10 cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở, chi nhánh và điểm kinh doanh…
Kết thúc các cuộc thanh tra, kiểm tra trên, các đoàn, tổ thanh tra, kiểm tra đã không tìm ra “lỗi” nào và đều đi đến kết luận hoạt động của hãng xe Thành Bưởi tuân thủ đúng các quy định pháp luật hiện hành…
Do đó, việc Sở GTVT TP.HCM dự định cắm bảng cấm xe khách từ trên 16 chỗ lưu thông trên các tuyến đường trên từ ngày 1-10 sẽ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và đầu tư của TP.
Theo ông Thành, đây là hành vi sử dụng các biện pháp hành chính, kỹ thuật để ngăn cản quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, hộ dân và cá nhân mà Luật Doanh nghiệp 2014 đã nghiêm cấm.
Trước đó, ngày 8-8, UBND quận 10 ra văn bản yêu cầu hãng xe Thành Bưởi tạm ngưng ngay hoạt động đón - trả khách tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, phường 2, quận 10 (khu đất thuộc Công ty CP Giày Sài Gòn cho Thành Bưởi thuê)…
Theo các luật sư, UBND quận 10 đã lạm quyền trong việc ra văn bản yêu cầu trực tiếp với hãng xe Thành Bưởi. Vì lẽ theo các quy định hiện hành nếu qua thanh tra, kiểm tra, quận 10 phát hiện Thành Bưởi có các sai phạm về sử dụng đất, về kinh doanh vận tải… thì quận phải kiến nghị lên Sở KH&ĐT (nơi cấp chứng nhận kinh doanh) hoặc Sở GTVT (nơi quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải)… để các nơi có thẩm quyền này ra quyết định đình chỉ kinh doanh hoặc rút giấy chứng nhận kinh doanh...
Về việc cắm bảng cấm xe khách từ trên 16 chỗ lưu thông trên ba tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn, chiều 28-9, các cán bộ ở Sở GTVT và Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (nơi được giao cắm bảng, nếu có) cho biết: Đó mới chỉ là ý kiến đề xuất của một cá nhân tại cuộc họp về chống xe "dù", bến "cóc".
Ý kiến này cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng vì nếu thực hiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, dịch vụ của hàng loạt nhà hàng, khách sạn, cơ quan, doanh nghiệp và hàng chục ngàn hộ dân ở ba tuyến trên và các tuyến liên quan.
“Mặt khác, từ ngày 1-3, Sở GTVT và Khu 1 đã cắm bảng cấm xe khách trên 16 chỗ dừng, đậu trên đường Lê Hồng Phong và trật tự, an toàn giao thông trên tuyến này đã được thiết lập thì nay có cần thiết phải cắm bảng cấm lưu thông nữa hay không?” - vị cán bộ Sở GTVT nêu vấn đề.
Cũng theo vị này, nếu Sở GTVT thuận theo đề xuất của cá nhân nêu trên thì sau khảo sát, Sở phải ra thông báo và treo băng rôn về việc cấm trước 7-10 ngày để người dân, doanh nghiệp trong khu vực và người, xe thường xuyên lưu thông qua các tuyến trên được biết… nhưng hôm nay đã là ngày 28-9.
Theo PLO