Sáng 29-9, UBND TP.HCM Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển Kinh tế - Văn hoá - Xã hội - Quốc phòng - An ninh và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm 2016 |
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội TP.HCM 9 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ các tháng cuối năm diễn ra vào sáng 29-9, đề cập đến việc giải quyết các bức xúc của người dân, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói ngay đến chuyện ngập nặng ở TP những ngày qua.
Ông Phong phát biểu: “Như chúng ta đã thấy mấy ngày qua mưa lớn tác động trực tiếp đến việc ngập ở TP này. Tháng rồi tôi có yêu cầu các phó chủ tịch cùng tôi kiểm tra các công trình chống ngập bị lấn chiếm để tìm ra các giải pháp trước mắt và lâu dài. Các đoàn đi thực tế đã rút ra được nhiều vấn đề. TP sẽ họp để tính toán giải pháp - trước hết ở các điểm ngập nặng của TP.HCM".
Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa nhìn nhận: "Nước ngập là chuyện rất bức xúc của TP. Nhưng giải quyết phải có giải pháp căn cơ. Ngập do triều cường thì có cống ngăn triểu, bờ bao. Do mưa thì phải cải thiện hệ thống thoát nước. Qua đi thực tế, phải thừa nhận cái chủ quan của chúng ta trong quản lý là nguyên nhân gây khó khăn trong chống ngập” - ông Khoa nói.
Lãnh đạo TP.HCM kiểm tra mương A41 (Q. Tân Bình) giải quyết thoát nước khu vực sân bay Tân Sơn Nhất bị lấn chiếm. |
"Chuyện xây nhà lên cống làm sao mà nói không biết được - vấn đề là quản lý thế nào. Từ nay về sau quận huyện nào để cống xả bị lấn chiếm thì phải bị xem xét trách nhiệm, thậm chí bị kỷ luật”. Phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa. |
Cụ thể, ông Khoa dẫn chứng cống xả, miệng hố ga bị chiếm dụng xây nhà làm ngăn dòng chảy, không duy tu được.
Về tình trạng xả rác kênh, phó chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa kể: "Tôi đi Thủ Đức thấy ở khu phố 4 phường Hiệp Bình Chánh có con rạch rất sạch vì người dân tự quản. Không có chuyện xả rác xuống kênh. Mỗi năm dân tự góp vốn để nạo vét 4-5 lần, tôi đề nghị quận Thủ Đức phải khen thưởng ngay. Ngược lại có những nơi xả rác ghê gớm, xả cả xác súc vật , các loại rác không phân hủy ngay được…”.
Từ thực tế trên, ông Khoa chỉ đạo các quận huyện phải tăng cường biện pháp quản lý hệ thống thoát nước, kênh rạch trên địa bàn.
“Những ngày tới dự báo sẽ còn mưa lớn. Trung tâm chống ngập và quận huyện phải xử lý số rác trên miệng cống. Lực lượng trực tiếp phải thường xuyên túc trực để giải quyết ngay các sự cố ngập không để ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân”- ông Khoa nêu.
Lo ngại về tội phạm ma túy Báo cáo về tình hình an ninh trật tự, ông Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP cho biết thời gian qua phạm pháp hình sự có giảm nhưng không nhiều. Số vụ trộm tài sản giảm nhiều. Tuy nhiên số vụ cướp giật tăng lên. CATP đang phân tích nguyên nhân để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả hơn trong thời gian tới. Phân tích hành vi phạm tội, ông Phong cho rằng chủ yếu là do các nhóm nhỏ lẻ, mâu thuẫn trong xã hội là nguyên nhân tiềm ẩn phát sinh. Thời gian qua không có dấu hiệu băng nhóm lớn gây án mà chủ yếu là mâu thuẫn xã hội. các vụ cướp tài sản chủ yếu là thanh thiếu niên. Địa bàn trộm nhiều như quận 9, quận Tân Bình, 12, Cũng theo ông Phong, thời gian qua có dấu hiệu tái phát đua xe, đi theo từng nhóm đi xe tốc độ cao. Hiện nay Công an TP cũng tập trung lực lượng ngăn ngừa hành vi này. Ông Phong đề nghị CA địa phương quan tâm hỗ trợ, quản lý đối tượng có nguy cơ phạm tội. “Công an TP cũng đề xuất chúng ta tăng cường quản lý tại khu dân cư đối với người nghiện, người có nguy cơ phạm tội”- ông Phong nói. Đặc biệt đề cập đến tội phạm ma túy, ông Phong cho biết thời gian qua Công an TP khám phá 1.228 vụ, bắt giữ hơn 2.000 đối tượng thu giữ 8kg heroin, 89kg và 1.799 viên ma túy tổng hợp. “Nghiện ma túy dễ phát sinh tội phạm khác. Đặc biệt ma túy tổng hợp, ma túy đá rất nguy hiểm dễ gây ảo giác. Vụ thảm sát ở Quảng Ninh vừa qua là một điển hình”- ông Phong dẫn chứng. Tuy nhiên, Công tác quản lý cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả chưa cao. Hiện Tổng số người nghiện ma túy của TP.HCM là 21.700 người và có xu hướng trẻ hóa. |
Theo TTO