Joy Zhuang đã theo dõi chiến dịch tranh cử Tổng thống từ những ngày đầu tiên. Cô là biên tập viên cho chuyên mục hàng tuần viết về bà Hillary Clinton cho Globus – một dự án trực thuộc tập đoàn truyền thông Caixin Media. “Chủ đề về chính sách đối ngoại với Trung Quốc của bà Clinton luôn là vấn đề nóng hổi đối với độc giả trong nước”, cô chia sẻ.
“Theo quan sát của tôi từ những phản hồi của độc giả, họ có vẻ như không quan tâm đến Trump, nhưng khá hứng thú tới bà Hillary Clinton, thậm chí còn có thái độ thù địch”, Zhuang cho biết. “Họ không chấp nhận việc bà Clinton là một nữ chính trị gia cũng như việc bà không thân thiện với Trung Quốc”.
Clinton vs Trump
Kể từ khi vẫn còn đương chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính quyền ông Obama, người Trung Quốc đã không ưa thích bà Hillary Clinton bởi những phát ngôn của bà về quyền phụ nữ. Bình luận về vòng tranh đấu trực tiếp, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc nói rằng người Trung Quốc “có chút coi khinh bà” và “bà Hillary trông giống như một người điên bị hoảng sợ, đôi mắt bà đỏ ngầu… Bà đã bắt đầu bắt chước cách ăn nói của ông Trump và cho phép bản thân trở thành một kẻ ba hoa khoác lác”. Bài báo này được viết trên trang tiếng Trung.
Bên cạnh đó, rất có khả năng bà Clinton sẽ kế thừa chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama. Laura Rosenberger – cố vấn chính sách của bà Clinton cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ với đồng minh, xây dựng đối tác chiến lược, và đảm bảo sẽ làm tất cả những gì cần thiết để kiểm soát một Trung Quốc đang lên”.
Trong khi rõ ràng là ông Trump đã sử dụng những lời lẽ cực đoan để nói về Trung Quốc (ví dụ như Trump buộc tội Trung Quốc đã ăn cắp thương mại của của Mỹ) và còn hứa sẽ áp thuế 45% lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, Trump lại không có vẻ gì là thù địch của Bắc Kinh.
Hơn thế nữa, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Stimson Center Washington nhận định: “Xét trên khía cạnh địa chính trị, nếu các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc từ chối mang vác trách nhiệm tài chính cho quốc phòng Mỹ, đó là cơ hội chiến lược để Trung Quốc mở rộng trong khu vực”.
Thực tế, Bắc Kinh đã bắt đầu “bôi nhọ” chiến dịch tranh cử này. Hôm 28/8, tờ Tân Hoa Xã viết: “Dân chủ theo kiểu này (bầu cử Tổng thống Mỹ) là một nỗi hổ thẹn cho xã hội đương đại”.
Bên cạnh đó, Trump có thể sẽ thay đổi chính sách xoay trục. Tuy nhiên, với một con người bất ổn như Trump, Trung Quốc vẫn chưa thể yên lòng. Nếu Mỹ không còn là chỗ dựa quân sự cho các đồng minh châu Á, một cuộc cạnh tranh hạt nhân sẽ nổi lên. Khi đó Tokyo và Seoul sẽ lao vào theo đuổi sức mạnh của bản thân, và điều đó sẽ quấy rầy đến Trung Quốc.
Ổn định hay bất ổn
“Nếu Hillary Clinton trở thành Tổng thống, chắc chắn bà sẽ là một thách thức khó nhằn đối với Trung Quốc”, giảng viên trường đại học Fudan Thượng Hải – người đã từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhận định.
“Bên cạnh đó, sau 4 thập kỷ bất ổn, mối quan hệ Trung – Mỹ hiện nay khá im ắng. Cách làm việc của bà Clinton có thể thay đổi, nhưng đường lối chung sẽ vẫn là như vậy”. Nói cách khác, chính sách của bà Clinton sẽ không làm Bắc Kinh bất ngờ.
Trong khi đó, nếu Trump được chọn, chính sách của ông sẽ chệch đi khá xa so với chính quyền hiện tại. Ông sẽ biến chính sách đối ngoại, đối nội trở thành một mớ bòng bong.
Nhưng rõ ràng, cả Trump và Clinton đều không coi Trung Quốc là bạn. Trong bài phát biểu vận động tại Philadelphia, Clinton đã tuyên bố: “Nếu bạn cho rằng chúng ta nên nói không với thỏa thuận thương mại – thì Trung Quốc chính là đối tượng đầu tiên. Chúng ta nên bảo vệ những người thợ làm thép và ngành sản xuất trong nước”. Hàng ngàn người trong thính phòng hoan hô bà Clinton, trong số đó những nhà báo Trung Quốc – họ lặng lẽ ghi lại từng câu chữ.
Đối với Trung Quốc, Clinton hay Trump cũng chỉ là kẻ tám lạng, người nửa cân. Cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố cả Hillary Clinton và Donald Trump, không ai là người thắng cuộc trong cuộc tranh luận.
Tờ Thời báo Hoàn cầu viết cả Clinton và Trump đều khiến người dân Mỹ cảm thấy bất ổn và ngờ vực hơn tất cả những ứng viên Tổng thống khác trong lịch sử. “Có vẻ như Mỹ đang ở trong một giai đoạn quan trọng để quyết định con đường đi của mình. Nhưng thay vì lựa chọn một ứng viên tốt hơn để trở thành Tổng thống, người dân Mỹ buộc phải lựa chọn một người ít tồi tệ hơn”.
Theo Tri Thức Trẻ