Người Việt khóc cười với Tây xấu xí: Thích giảm giá, 'ăn chùa' và lật lọng
Thứ sáu, 07/10/2016, 10:54
Có lẽ người Việt chúng ta có thói quen nghĩ: dân Tây thì sang chảnh, lịch sự và hào phóng nhưng một khi đã "bựa" thì "độ bựa" của họ ăn đứt người Việt nói riêng và người châu Á nói chung.
Tất nhiên không phải Tây nào cũng giống nhau, nhưng một ít "hạt sạn" về độ bựa xin kể dưới đây khiến nhiều người Việt chúng ta sẽ phải méo mặt vì mệt mỏi. Sự khác biệt văn hóa không phải dẫn đến điều "xấu xí" này nhưng những ông Tây này luôn rất quái.
Sau nhiều ngày mục sở thị tại khu phố Tây Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM và những nơi Tây thường lui tới, phỏng vấn người dân, chủ doanh nghiệp Việt, chúng tôi rút ra được kết luận là "Tây cũng có nhiều dạng".
Từ các chuyên gia (expats) làm việc cho các công ty có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam, đến một số chưa đủ chuyên môn để làm chuyên gia nên họ làm đủ nghề để kiếm sống, sang sang thì mở quán ăn, pub (quán rượu) nho nhỏ, nhưng phổ biến nhất là dạy tiếng Anh, thậm chí thất nghiệp, sống bằng tiền trợ cấp mỗi tháng từ chính phủ nước họ.
Nhà hàng phố Tây than trời
Chủ một nhà hàng ở phố Tây quận 1 mới ký hợp đồng giao thức ăn qua mạng mấy hôm: "Chưa gì đã gặp một khách Tây bá vơ rồi!" - Anh chủ trẻ than phiền.
Theo thoả thuận với website đặt thức ăn qua mạng, do thiếu nhân lực quán chỉ nhận giao khu vực quận 1 và quận 4. Thời gian đầu vì muốn làm quen thị trường, quán áp dụng miễn phí dịch vụ giao hàng.
Khách hàng Tây được nhắc đến đang thuê nhà ở phường 22, quận Bình Thạnh, biết bên quán không giao tới địa chỉ đó nên khi đăng ký tài khoản với bên website giao hàng online ông khách cố tình ghi ở mục quận là quận 1, thay vì phải ghi là Bình Thạnh.
Bên trang web không kiểm tra kỹ (do nhân viên tổng đài không biết khu vực đó không thuộc quận 1 và phần vì tin tưởng khách hàng) nên họ tiếp nhận đơn hàng và chuyển cho bên nhà hàng. Vì giao xa ngoài kế hoạch nên có sự chậm trễ đôi chút, đợi nhân viên đang trên đường đi giao đồ ăn thì ông khách gọi điện cho nhà hàng đòi "bồi thường thiệt hại vì chờ đợi".
"Mình xin lỗi, bảo ổng không muốn nhận hàng thì có thể hủy đơn hàng và mình báo nhân viên giao hàng quay về thì ổng không chịu. Theo ý ổng là thay vì trả 505.000 đồng như trên bill (hóa đơn) ổng muốn chỉ trả 300.000 đồng thôi. Để tránh phiền phức mình đồng ý giảm còn 400.000 đồng (và dĩ nhiên miễn phí giao hàng)", - anh chủ trẻ buồn bực chia sẻ.
Một trường hợp khác khi khách trực tiếp đến ăn tại quán cũng không kém phần "đau đầu" được một quản lý quán ăn chia sẻ với PV.
"Cách đây mấy ngày có một bà Đầm (cách gọi phụ nữ Tây) tới quán mình ăn. Phiếu tính tiền in ra có 60.000 đồng bà ấy đưa tờ 100.000 đồng và chờ tiền thối. Thu ngân thối 40.000 đồng thì bà không chịu bảo là đưa tờ 500.000, chứ không phải 100.000. Giải thích hết lời, rằng người nước ngoài hay nhầm lẫn về tiền Việt, rồi nhân viên của quán trung thực thế nào, cả hai nhân viên đều xác nhận bà chỉ đưa tờ 100.000, rằng bao lần khách đến ăn khi ra về để quên điện thoại, đồ giá trị tại quán cũng không bao giờ bị mất... bà cũng không chịu. Xui nhất là hôm ấy camera không xem được. Lúc đó quán đông khách và mình muốn cho xong chuyện nên "dâng" cho bà 400.000 đồng cho yên".
Thực tế nhiều khách nước ngoài khi tính tiền tưởng tờ 10.000 là tờ 100.000 vì tiền Việt quá nhiều số 0 nên dễ nhầm lẫn.
"Bên em phải nhiều lần chạy đi tìm khách vì họ đưa mấy tờ 10.000 mà nghĩ là đã thanh toán đủ cho bill mấy trăm ngàn rồi nên bỏ đi. Đường xá phố Tây giờ cao điểm thì đông, một khi họ hoà vào dòng người trên đường tìm khó mà ra nên đôi khi đành chịu mất tiền, sau đó nhân viên phải đền tiền cho chủ", một nhân viên phục vụ quán ăn trên đường Bùi Viện chia sẻ.
Anh V.T., chủ nhà hàng tại TP.HCM kể thêm:: "Nhà hàng mình ngày mới khai trương làm event (sự kiện) cho nhóm khách expats thì giá trưởng nhóm người Tây thu của thành viên là 300.000 nhưng anh ta chỉ trả cho nhà hàng là 40.000 còn lại đút túi. Tiệc cũng rượu vang, finger foods (món ăn chơi) các kiểu nhưng để tiếp cận đối tượng khách expats thì cũng phải chấp nhận "cống nạp" 80% giá cost.
"Phải công nhận là Tây văn hóa phát triển nhưng cũng nhiều Tây bựa thì dân Việt không "sánh" được", anh V.T kết luận.
Một chia sẻ rất hài hước đến ngạc nhiên từ một Việt Kiều Mỹ - chị Tiffani Nguyen: "Ở Mỹ khách mua cái bánh kem sinh nhật về ăn phân nửa, sau đó đem trả lại cho tiệm bánh của một siêu thị rất lớn là Wall Mart vì lý do bánh ăn không ngon, mà vẫn được nhận lại đủ tiền và kèm thêm lời xin lỗi nữa!".
"Có những khách Tây cứ trông chờ lúc quán đông khách là vào ăn, khi đồ ăn lên chậm là họ yêu cầu được giảm giá hay ăn miễn phí, khách Việt mình không làm chuyện đó bao giờ".
Giao dịch, làm ăn với Tây không đơn giản
Một lần anh Q.M đăng trên nhóm dành cho Expats tại Sài Gòn bán một số đồ cũ. Sau đó nhận được tin nhắn của một ông Tây muốn mua hết mấy món đồ đó. Sau khi thoả thuận ông ta yêu cầu thanh toán qua Paypal, một tiện ích thanh toán trung gian qua Internet có đảm bảo.
Vì nhận được Paypal nhắn tin bên mua làm lệnh yêu cầu thanh toán nên bên bán cho giao hàng qua địa chỉ được bên mua hàng cung cấp. Khoảng 1 tuần sau trong khi khoản tiền thanh toán vẫn còn treo trong tài khoản Paypal (thông thường mất 2 tuần để giải ngân), anh Q.M nhận được tin nhắn từ Paypal là người mua khiếu nại và muốn hủy giao dịch thanh toán.
Lý do là không thích món đồ đã mua vì một số lý do. "Lúc đó người mua cũng khoá facebook và điện thoại nên mình không có cách nào thương lượng với hắn" - Anh Q.M chia sẻ.
Chị N.T bán hàng bên khu vực quận 2 chia sẻ: "Em bị hoài, một số khách Tây tìm cách nhận được hàng mà không muốn trả tiền, còn hù doạ là sẽ nói không tốt về hàng của mình cho những người khác làm mình buôn bán khó khăn nên phải nhượng bộ họ. Thậm chí mấy bác Tây ở villa sang trọng bên Thảo Điền còn làm vậy! Căn bản không phải là họ giàu hay nghèo mà là bản chất của một số người là vậy!"
Kết luận lại của chủ nhà hàng chuyên bán cho khách Tây "Phục vụ cho Tây đòi hỏi sự chính xác và chuyên nghiệp, không thì họ dựa trên sơ hở của mình để đòi bồi thường, đền bù thiệt hại, văn hoá của họ là thế, hay làm quá lên sự việc và không thể yêu cầu ở họ "sự thông cảm" như người Việt của mình được".