Văn bản “lạ”
Mấy ngày qua, dư luận vẫn còn chưa hết lùm xùm đối với dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) (huyện Bình Chánh, TP.HCM) của “vua rác” David Dương. Cụ thể, dự án này đã ngốn hơn 100 triệu đô la, giá xử lý rác mà TP.HCM phải trả cho ông vua rác này cao hơn nơi khác, giá tăng đều qua các năm, song trên thực tế nó đang ngày đêm bốc mùi hôi thối khắp khu Nam Sài Gòn khiến cho nhà đất khu vực này bị rớt giá, nhà đầu tư bất động sản chao đảo còn cư dân sống trong ô nhiễm đến độ họ chuẩn bị đâm đơn kiện ông vua rác Việt kiều này.
Trong khi đó, trên mạng xã hội vừa xuất hiện một văn bản lạ có tên là “Bảo mật thông tin dự án Khu công nghệ môi trường xanh” do Chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hữu Lâm ký ngày 25/5/2016 gửi Công an tỉnh Long An, Văn phòng UBND tỉnh, Sở KHĐT, Sở TNMT, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở Tư pháp, Cục thuế tỉnh và UBND huyện Thủ Thừa.
Văn bản "lạ" của UBND tỉnh Long An |
Nội dung văn bản ghi: “Công ty Cổ phần xử lý chất thải Việt Nam - Long An (Vietnam Waste Solutions LA - VWS) có văn bản số 1607/VB-LA ngày 19.5.2016 về việc bảo mật thông tin dự án. Về vấn đề này, UBND tỉnh có ý kiến như sau: Yêu cầu các chánh văn phòng UBND tỉnh, thủ trưởng sở ngành chức năng tỉnh có liên quan và UBND huyện Thủ Thừa tiến hành ra soát hồ sơ, thực hiện chế độ bảo mật thông tin dự án theo đề nghị của VWS”.
Được biết, Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 12.9.2015. Tuy nhiên trước đó 1 năm, ngày 9/11/2014, chủ đầu tư Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) đã làm lễ động thổ xây dựng cầu dẫn, mở đường vào dự án này.
Mô hình dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại Long An của vua rác David Dương |
Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, ngày 30.12 tại TP.HCM, dự án này cũng đã được một ngân hàng ký kết hợp đồng tài trợ giai đoạn 1 với cam kết giá trị tài trợ tối đa lên đến 70% tổng đầu tư giai đoạn 1 của dự án, tương đương 148 triệu USD.
Dự án Khu công nghệ môi trường xanh có diện tích khoảng 1.760ha, với vốn đầu tư 450 triệu USD (tương đương 9.656 tỷ đồng Việt Nam) và công suất xử lý 40.000 tấn rác/ngày.
Như vậy, Dự án Khu Công nghệ Môi trường xanh tại Long An của ông David Dương có quy mô “khủng” gấp 13 lần so với bãi rác Đa Phước - cũng của ông David Dương tại TP.HCM.
Hiện bãi rác Đa Phước đang gây hôi thối cả một vùng rộng lớn phía Nam TP.HCM và cty của ông David Dương đang dính “nghi án” có sự “chống lưng” nên mới giành được dự án này trong tay Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tại thời điểm khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp của Cty này (triển khai theo chủ trương của thành phố với kinh phí 976 tỉ đồng) đã hoàn thành 70% tiến độ.
Sự rò rỉ văn bản bảo mật này khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng “vua rác” muốn ém thông tin dự án ở Long An vì lo ngại dư luận đang bất bình vụ việc Đa Phước nên sẽ gây áp lực cho dự án thứ 2 của ông ở Việt Nam, có quy mô gấp 13 lần dự án thứ nhất ở Đa Phước này.
Tuy nhiên điều dư luận không khỏi cảm thấy lạ chính là cái văn bản lạ lùng mà Ủy ban tỉnh Long An đã ký kia. Ngay bí thư Long An – ông Phạm Văn Rạnh khi trả lời báo chí hôm 2/10/2016 cũng khẳng định: “Từ trước đến nay, tất cả các dự án tại Long An đều công khai, minh bạch, không có gì phải bí mật. Sáng thứ hai (3/10) tôi sẽ yêu cầu kiểm tra lại thông tin này”.
Chiều 3/10, trả lời ANTT.VN, ông Rạnh cho biết đã kiểm tra thực hư văn bản nói trên nhưng đang tiếp khách chưa trả lời báo chí được, sau đó PV gọi vài lần thì ông Rạnh không nghe máy nữa.
“Bảo mật thông tin dự án cho vua rác là điều không bình thường!”
Đem vấn đề này trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), ông Truyền nói:
“Về mặt pháp lý, nếu văn bản này đúng là do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành thì rõ ràng đang tồn tại một số vấn đề. Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quy trình kỹ thuật của các công ty xây dựng trong quá trình thực hiện dự án.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - GĐ Cty Luật Hợp danh Thiên Thanh |
Tuy nhiên, thông tin về một dự án khu công nghệ thì không chỉ bao gồm những quy trình kỹ thuật này, mà còn bao gồm các thông tin về chủ đầu tư, nhà thầu, việc huy động vốn, quy hoạch sử dụng đất, … là những thông tin mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công bố khi có yêu cầu. Tuy nhiên thông thường chính nhà đầu tư sẽ công khai những thông tin này để huy động vốn, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và một lý do rất quan trọng đó là để quảng bá thương hiệu cho chính bản thân mình.
Bởi vậy thật khó hiểu khi Công ty cổ phần xử lý chất thải Việt Nam – Long An lại có văn bản số 1607/VB-LA ngày 19/5/2016 đề nghị UBND tỉnh Long An giữ bí mật toàn bộ thông tin dự án. Điều này pháp luật không cấm, tuy nhiên lại là câu hỏi lớn trong dư luận khi người đứng sau dự án là ông David Dương – hiện đang “sở hữu” dự án bãi rác Đa Phước – thủ phạm gây ra mùi hôi thối và làm suy giảm sức khỏe của người dân tại toàn bộ khu Nam thành phố Hồ Chí Minh gần đây”
Đối với giả thiết ông David Dương muốn bảo mật thông tin dự án ở Long An trước áp lực dư luận dự án Đa Phước, luật sư Truyền cho rằng: “Việc một doanh nghiệp muốn giữ kín thông tin dự án của mình sau khi gặp những rủi ro không mong muốn ở những dự án tương tự cũng là điều khá dễ hiểu. Tuy nhiên, bản thân tôi cho rằng, sự việc dù không mong muốn cũng đã xảy ra, muốn xây dựng được lòng tin của đối tác, của nhân dân, thì lại càng cần thiết phải công khai, minh bạch hơn nữa trong việc xây dựng, triển khai dự án tương tự”.
Vụ việc xảy ra tại bãi rác Đa Phước đã được kiểm tra, xác minh và có kết luận về việc rò rỉ mùi hôi thối. luật sư cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, khi tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người dân vì lý do này mà bị xâm hại thì có quyền yêu cầu nhà đầu tư bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Nếu không nhận được sự hợp tác hoặc có căn cứ cho rằng mức bồi thường chưa hợp lý thì tiến hành khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Vụ việc người dân bị đe dọa sức khỏe do ô nhiễm từ bãi rác Đa Phước cũng nghiêm trọng không kém gì vụ uống nước C2, Rồng Đỏ nhiễm chì.
Theo ANTT