Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và ông nội, Kim Nhật Thành. |
Tháng 12/2011, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong-il qua đời, con trai ông là Kim Jong-un hầu như không được thế giới biết đến. Ngay cả các nhà phân tích tình báo phương Tây cũng chỉ biết rằng người kế vị ông Kim là một thanh niên ngoài 20 tuổi, từng học tại Thụy Sĩ và mê bóng rổ, theo WSJ.
Một số người đồn đoán rằng ông Kim sẽ là người yếu đuối và khó có thể nắm quyền lâu. Thế nhưng, ông Kim Jong-un đã ngày càng củng cố vị thế của mình bằng cách học theo ông nội Kim Nhật Thành chứ không phải cha ông.
Ông trông như một phiên bản trẻ của ông nội mình, cả về dáng người và đặc điểm khuôn mặt. Ông Kim có kiểu tóc khá giống ông nội, và thường mặc bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông và vest mà ông Kim Nhật Thành yêu thích, theo chuyên gia về Triều Tiên Michael Madden sống tại Mỹ.
Ông Kim Nhật Thành ngoài nổi tiếng với việc lãnh đạo các lực lượng du kích đánh bại đế quốc Nhật vào những năm 1930, còn được nhớ đến khi xây dựng Triều Tiên trở thành quốc gia tương đối thịnh vượng thời kỳ hậu chiến tranh Triều Tiên những năm 1950. Trong khoảng hai thập niên, GDP của Triều Tiên được ước tính vượt qua cả Hàn Quốc. Ngay cả những người đào tẩu cũng tỏ ra ngưỡng mộ kỹ năng lãnh đạo của ông Kim Nhật Thành.
Trái lại, trong thời gian ông Kim Jong-il lãnh đạo đất nước, Triều Tiên phải hứng chịu nạn đói những năm 1990, khiến hơn một triệu người thiệt mạng. Chính sách "quân đội trước tiên" của ông đã buộc người dân phải thắt lưng buộc bụng để quân đội có được các nguồn lực cần thiết.
Ngày nay, các chương trình tuyên truyền của chính quyền ông Kim Jong-un đang khắc họa ông là một người gần gũi với người dân, giống như ông nội. Chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, truyền hình nhà nước Triều Tiên phát hình ảnh ông mang quà và rót đồ uống cho các gia đình vừa dọn vào các căn hộ mới xây tại Bình Nhưỡng. Trong khi đó, phu nhân của ông Kim đứng rửa bát.
Ông Kim cũng từ bỏ yêu cầu thắt lưng buộc bụng của cha mình. Thay vào đó, ông khôi phục chính sách của ông nội: phát triển song song cả kinh tế và vũ khí hạt nhân. Bên cạnh một loạt tòa chung cư cao tầng cùng đường phố được sửa sang mới tại Bình Nhưỡng là trường đua ngựa mới, một công viên nước và cả thủy cung cá heo. Du khách giờ còn có điểm đến yêu thích là khu vườn thú mới ở thủ đô, với cổng vào như miệng một con hổ khổng lồ.
Triều Tiên từ lâu vẫn cấm các doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng ông Kim cho phép một số khu chợ cóc và cơ sở kinh doanh nhỏ tồn tại. Điện thoại thông minh là mặt hàng bán rất chạy. Các loại hàng hóa phi pháp như phim nước ngoài được lưu trong thẻ nhớ cũng được bán tại những khu chợ như vậy, Sokeel Park, đến từ tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những người đào tẩu, cho biết.
Ông Kim Kwang-Jin, từng là nhà ngoại giao và nhân viên ngân hàng cấp cao của Triều Tiên, cho biết ông Kim để cho các khu chợ tự phát hoạt động và xem đó như một nguồn thuế thu nhập tiềm năng.
Hình ảnh dân túy của nhà lãnh đạo này được truyền thông nhà nước xây dựng từ những sự việc như ông Kim nổi giận với các quan chức khi họ dự báo thời tiết không chính xác, hoặc để cỏ mọc trên vỉa hè tại một công viên giải trí.
Ảnh trái, ông Kim Jong-un thăm một nông trại. Ảnh phải, ông Kim Nhật Thành xem xét một số hàng hóa. |
Tập trung quyền lực
Việc ông Kim tỏ ra đầy quan tâm, ấm áp với người dân hoàn toàn đối lập với những hành động quyết đoán khi loại trừ những đối thủ tiềm tàng, bao gồm vụ hành hình chú rể năm 2013. Theo ước tính của chính quyền Hàn Quốc, ông Kim đã giáng chức, sa thải hơn 100 quan chức hàng đầu.
"Khi những cuộc thanh trừng lớn diễn ra, chúng tôi tin rằng ông ấy đã củng cố quyền lực mạnh mẽ hơn", Evan Medeiros, cựu giám đốc cấp cao các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, nói.
Các cuộc thanh trừng dường như dọn đường cho ông Kim tái lập vị thế lãnh đạo của đảng Lao động cầm quyền, tương tự như ông nội mình từng làm. Ông Kim Nhật Thành từng thông qua đảng Lao động để giám sát và lãnh đạo chính phủ và người dân. Tuy nhiên đến thời ông Kim Jong-il, quân đội được trao quyền lớn hơn, khi được cho phép kiểm soát nhiều hoạt động kinh doanh béo bở nhất như khai khoáng và ngoại thương.
Năm nay, tại đại hội đầu tiên của đảng Lao động trong 36 năm, ông Kim đã thay máu cơ quan lãnh đạo đảng vốn do quân đội chiếm ưu thế bằng các chính trị gia. Các nhà phân tích tin rằng những dịch chuyển như vậy sẽ đưa việc quản lý kinh tế trở lại với những nhà kỹ trị có năng lực hơn.
Tham vọng hạt nhân
Trong khi hạn chế vai trò của quân đội trong các vấn đề chính trị, ông Kim lại đẩy mạnh phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, điều ông nội mình từng nhắm tới. Ông Kim Nhật Thành là người khởi động chương trình hạt nhân của Triều Tiên với sự giúp sức của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ông Kim Jong-il đã đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân suốt gần một thập niên, sau khi ký thỏa thuận với Mỹ.
Ông Kim Jong-un đã chỉ đạo ba trong tổng số 5 vụ thử hạt nhân Triều Tiên từng tiến hành, và còn tăng hơn gấp đôi con số 16 vụ thử tên lửa đạn đạo từng được cha mình ra lệnh tiến hành. Các vụ thử nghiệm thành công từ hệ thống phóng cơ động và tàu ngầm cho thấy Triều Tiên đang gia tăng năng lực đáp trả nếu các căn cứ quân sự bị phá hủy.
Cha của ông Kim Jong-un từng sử dụng chương trình vũ khí hạt nhân như công cụ để mặc cả các khoản viện trợ và đảm bảo an ninh. Còn ông Kim Jong-un đang dùng chương trình hạt nhân để củng cố vị thế của mình trong quân đội và gây khó dễ cho Hàn Quốc, mà không mấy bận tâm tới hậu quả về ngoại giao. Ngay cả mối quan hệ với Trung Quốc, đồng minh trọng yếu của Triều Tiên, cũng trở nên căng thẳng do việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân.
Trong khi đó, những thông điệp tuyên truyền tại Triều Tiên luôn khẳng định sức mạnh an ninh mà vũ khí hạt nhân mang lại lớn hơn nhiều bất kỳ nguy cơ nào nó có thể gây ra.
"Một số người tại Triều Tiên lo lắng sẽ có chiến tranh", Choi Sul-Kyung, một binh sĩ 28 tuổi đào tẩu vào năm ngoái cho biết. "Nhưng họ cũng nghĩ họ có thể chiến thắng".
Theo VNE