Trung Quốc, Philippines nhất trí cơ chế giải quyết tranh chấp trên Biển Đông

Thứ sáu, 21/10/2016, 18:27
Thông cáo chính thức được công bố hôm nay 21/10 sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Bắc Kinh và Manila sẽ khởi động cơ chế song phương thông qua các cuộc tham vấn hữu nghị để giải quyết tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.
Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp trọng thể Tổng thống Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 20/10 (Ảnh: Reuters)

“Cả hai bên nhất trí tiếp tục duy trì các cuộc thảo luận về các biện pháp xây dựng lòng tin… đồng thời thực thi nguyên tắc tự kiềm chế trong khi tiến hành các hoạt động có thể gây phức tạp tình hình hoặc làm leo thang căng thẳng trên Biển Đông”, SCMP dẫn nội dung thông cáo cho hay.

“Các tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua “các cuộc tham vấn và đàm phán hữu nghị giữa các quốc gia có liên quan trực tiếp tới tranh chấp”, thông cáo cho biết thêm.

Cũng theo thông cáo này, cơ chế song phương mới nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông sẽ được bổ sung thêm vào các cơ chế hiện hành. Các cơ chế này bao gồm việc hai nước thường xuyên trao đổi về các mối quan ngại của từng bên liên quan đến vấn đề Biển Đông, cùng với đó là các biện pháp tăng cường xây dựng lòng tin và thực thi cơ chế tự kiềm chế khi tiến hành các hoạt động trên Biển Đông.

Trong thông cáo, Bắc Kinh và Manila nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định, cũng như tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. Hai nước cũng cam kết sẽ tuân thủ theo Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) năm 2002, đồng thời cố gắng đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trong thời gian sớm nhất có thể. Bên cạnh đó, lực lượng tuần duyên hai nước cũng sẽ hợp tác cùng nhau trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, môi trường và các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông.

Trước đó, trong cuộc gặp giữa hai lãnh đạo tại Đại lễ đường nhân dân Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh hôm 20/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi mối quan hệ Trung Quốc - Philippines như "anh em một nhà" và có thể cùng nhau giải quyết các tranh chấp “một cách phù hợp”. Rào cản lớn nhất trong quan hệ giữa Malina và Bắc Kinh hiện nay là tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng đã được hai bên xem là thứ yếu, chứ không phải là tất cả trong quan hệ song phương.

Tổng thống Rodrigo Duterte cùng phái đoàn hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp đang có chuyến thăm kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc. Ngoài các thỏa thuận về vấn đề Biển Đông, hai nước cũng nhất trí hợp tác trên nhiều mặt như kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài chính, nông nghiệp, du lịch và một số lĩnh vực khác. Bộ trưởng Công thương Philippines Ramon Lopez mới đây cho biết tổng giá trị hợp đồng mà Philippines dự kiến sẽ ký với Trung Quốc trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Duterte là khoảng 13,5 tỷ USD.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn