|
Chỉ riêng năm 2014, cả trăm nghìn thẻ BHYT được ngân sách nhà nước hỗ trợ đã bị cấp trùng. |
Bộ Tài chính vừa có văn bản yêu cầu Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các địa phương truy thu phần ngân sách nhà nước chi cấp trùng thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách.
Kết quả kiểm tra, rà soát của các địa phương về việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ năm 2014, đã phát hiện 160.912 thẻ BHYT bị cấp trùng. Tổng sổ tiền ngân sách nhà nước cấp trùng hơn 82,2 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ Tài chính yêu cầu UBND các tỉnh thành thu hồi toàn bộ kinh phí cấp trùng thẻ BHYT đối với các đối tượng được ngân sách trung ương hỗ trợ để nộp về ngân sách trung ương; số tiền ngân sách địa phương chi ra hỗ trợ mua BHYT bị cấp trùng thu hồi về ngân sách địa phương.
Đối với số kinh phí cấp trùng thẻ BHYT tại các địa phương được ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí để thực hiện hỗ trợ mua BHYT, Bộ Tài chính sẽ giảm trừ vào nhu cầu kinh phí mua thẻ BHYT để xác định kinh phí ngân sách trung ương phải bổ sung năm 2016 cho mỗi đối tượng.
Riêng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính yêu cầu trích 82,2 tỷ đồng (tương ứng số kinh phí cấp trùng thẻ BHYT năm 2014) từ Quỹ dự phòng khám, chữa bệnh BHYT để nộp ngân sách nhà nước. Trong đó: Nộp về ngân sách trung ương hơn 6,95 tỷ đồng do ngân sách trung ương đã chi cấp trùng thẻ BHYT; Chuyển cho bảo hiểm xã hội các tỉnh thành hơn 75,3 tỷ đồng do ngân sách địa phương chi cấp trùng thẻ BHYT, để trả ngân sách địa phương. Tổng số tiền chi hoàn trả ngân sách nhà nước trên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thực hiện quyết toán vào Quỹ dự phòng khám chữa bệnh BHYT (số phát sinh giảm trong năm) khi tổng hợp quyết toán năm 2016.
Trình sao cấp vậy?
Anh Lê Bá Tuấn (quê ở Thường Xuân, Thanh Hóa, 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước) cho biết, anh có tới 2 thẻ BHYT, 1 thẻ anh được nhà nước cấp miễn phí theo hộ khẩu ở quê và 1 thẻ do cơ quan mua. Theo anh Tuấn, học xong đại học, anh ở lại Hà Nội làm việc, nhưng hộ khẩu vẫn ở quê, nên cứ cuối năm thôn lại căn cứ theo hộ khẩu gửi danh sách những người được nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT lên xã. Theo danh sách thôn gửi lên, các cấp trình cấp thẻ BHYT, không cần biết người đó đi làm đã được cơ quan, đơn vị, hay doanh nghiệp mua thẻ cho hay chưa.
Từ năm 2015, việc cấp thẻ BHYT với các đối tượng do ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần được siết lại, nhưng nếu muốn có cũng không khó, đặc biệt khi chính sách BHYT ưu đãi hơn với các đối tượng vùng khó khăn.
“Nếu trưởng thôn, trưởng bản vẫn đề xuất danh sách có tôi lên thì xã vẫn theo đó lập danh sách để trình cấp thẻ BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ, không cần biết người đó đã tham gia BHYT nơi khác chưa, hoặc còn sinh sống ở địa phương hay không. Tất nhiên, trưởng thôn họ biết tôi đi làm ăn xa, họ không đưa mình vào danh sách trình lên thì cũng chẳng ai cấp cho. Nhưng nếu muốn, nói với trưởng thôn một câu cũng chẳng khó gì”, anh Tuấn nói.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các tỉnh thành tiếp tục kiểm tra, rà soát việc cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ năm 2015, báo cáo về bộ trước ngày 31/5/2017. Với các tỉnh chưa có báo cáo rà soát việc cấp thẻ BHYT năm 2014, tiếp tục rà soát và khẩn trương báo cáo về Bộ Tài chính để xử lý.
Địa phương có số thẻ BHYT và số tiền ngân sách cấp trùng lớn nhất là Hà Nội (với 15.100 thẻ, số tiền hơn 11,18 tỷ đồng); tiếp đến là Ninh Thuận (hơn 16.900 thẻ, số tiền hơn 10,51 tỷ đồng), Bến Tre (hơn 8.800 thẻ, số tiền hơn 4,39 tỷ đồng), Quảng Nam (hơn 9.000 thẻ, số tiền hơn 4,12 tỷ đồng), Hải Dương (hơn 5.300 thẻ, số tiền hơn 3,12 tỷ đồng)… Tuy vậy, con số này vẫn còn thiếu một số địa phương chưa báo cáo, như Hải Phòng, Nam Định, Tuyên Quang. Trong số 60 tỉnh thành đã gửi báo cáo kiểm tra, rà soát cấp thẻ BHYT năm 2014 về Bộ Tài chính (3 tỉnh chưa có báo cáo), chỉ có 6 địa phương báo cáo không cấp trùng thẻ BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ, gồm: Quảng Ninh, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Đắk Lắk, Hậu Giang. |
Theo Tiền Phong