Trong số những lãnh đạo doanh nghiệp phải điều trần trước ủy ban điều tra đặc biệt của Quốc hội Hàn Quốc có người đứng đầu các tập đoàn lớn như Samsung, Hyundai, LG, Lotte, Hanjin….
Theo truyền thông Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên trong 28 năm qua các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc, được gọi là giới "tài phiệt" ở nước này, có mặt tại một phiên điều trần của Quốc hội.
Trong số các lãnh đạo trên có Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong, Chủ tịch Hyundai Motor Chung Mong Koo, Chủ tịch SK Chey Tae won, Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong Bin...
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong. (ảnh: Yonhap). |
Các nhân vật này chủ yếu bị chất vấn về những khoản đóng góp hàng chục triệu USD cho 2 quỹ phi lợi nhuận mà bà Choi Soon-sil - bạn thân của Tổng thống lập ra.
Samsung là công ty đóng góp nhiều nhất cho 2 tổ chức phi lợi nhuận của bà Choi Soon-sil, với khoản đóng góp 20 tỉ won (17 triệu USD).
Tiếp theo là công ty Hyundai, SK, LG và Lotte. Tuy nhiên, trong phiên điều trần, tập đoàn Samsung đã phủ nhận đóng góp cho các quỹ cho bà Choi Soon-sil để nhằm tìm kiếm những lợi ích cho tập đoàn.
Phó Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong nói: “Có rất nhiều yêu cầu đóng góp cho các quỹ khác nhau bao gồm cả lĩnh vực văn hóa, thể thao. Chúng tôi chưa bao giờ đóng góp cho họ để nhằm điều kiện trao đổi. Trong trường hợp này cũng vậy. Tôi xin chịu mọi trách nhiệm liên quan đến tình hình hiện nay”.
Liên quan đến vụ bê bối chính trị làm rung động đất nước Hàn Quốc, ông Hur Won-je cố vấn cấp cao của Tổng thống Park Geun-hye cho biết, bà (Tổng thống) sẵn sàng từ chức vào tháng 4 tới. Nếu Tổng thống Park Geun-hye chấp nhận từ chức, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc trong 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.
Tuy nhiên, quyết định này của bà Park Geun-hye vấp phải sự phản đối của các đảng đối lập. Theo bà Choo Mi-ae, người đứng đầu đảng Dân chủ đối lập chính, các đảng sẽ không đối thoại về việc bà Park Geun-hye tự nguyện từ chức vì công chúng muốn luận tội và Tổng thống phải từ chức ngay lập tức.
Theo các chuyên gia, nhiều chính đảng tính toán rằng, thời gian 60 ngày không đủ để họ tìm kiếm ứng cử viên cho mình trong cuộc bầu cử gấp gáp như thế, vì thế, họ nghiêng về phương án luận tội Tổng thống.
Riêng trong nội bộ đảng Saenuri cầm quyền, một nhóm nghị sỹ chống đối Tổng thống Park Geun-hye ủng hộ việc phế truất nhà lãnh đạo này tuyên bố đã hoàn tất mọi bước chuẩn bị để luận tội bà Park Geun-hye, mà không chấp nhận việc bà tự nguyện từ chức vào tháng 4 tới.
Ngoài ra, nhóm này cho biết thêm họ đã tập hợp đủ số người dự kiến bỏ phiếu thông qua kiến nghị luận tội Tổng thống, trong đó ít nhất 40 nghị sỹ tuyên bố sẽ ủng hộ kiến nghị. Để được thông qua, kiến nghị luận tội phải được ít nhất là 200 nghị sỹ ủng hộ, tức là cần ít nhất 28 nghị sỹ thuộc đảng Saenuri bỏ phiếu thuận.
Theo quy định hiện hành của Hiến pháp Hàn Quốc, nếu tổng thống bị luận tội, Tòa án Hiến pháp sẽ có 180 ngày để phán quyết việc luận tội có hợp lý hay không và trong khoảng thời gian này, Tổng thống sẽ bị đình chỉ chức vụ và trao quyền điều hành công việc nhà nước cho nhân vật số hai là Thủ tướng.
Nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết, việc luận tội là không hợp lý thì Tổng thống sẽ trở lại nắm quyền. Còn trong trường hợp Tổng thống từ chức, Hàn Quốc sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống mới trong vòng 60 ngày kể từ ngày Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.
Theo nghị sĩ Yun Ho-jung thuộc đảng Dân chủ, đảng đối lập chính ở Hàn Quốc, nếu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị đưa ra xét xử với mọi cáo buộc, bà có thể đối mặt với án tù chung thân. Tuyên bố này của ông Yun Ho-jung hoàn toàn có cơ sở dựa vào các ý kiến từ những cố vấn pháp lý của ông.
Có thể thấy, dù tự nguyện từ chức hay bị luận tội thì đây vẫn là 2 kịch bản mà Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đang phải đối mặt. Nhiều khả năng, Hàn Quốc sẽ lần đầu tiên chứng kiến một Tổng thống do dân bầu phải kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn.
Theo VOV