Sáng 7/12, trong buổi thảo luận tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa IX, đại biểu Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế TP cho rằng vấn nạn kẹt xe đang góp phần làm giảm sự phát triển của TP, người dân luôn than phiền.
Theo ông Thắng, vấn đề nổi trội nhất khi phát triển TP chính là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. TP hiện nay có 20.000km2 nhưng phân bố dân cư không đồng đều, có chỗ rất đông dân cư nhưng có nơi lại thưa thớt. Vì vậy, TP cần phải có giải pháp mạnh mẽ chứ không để nước tới chân rồi TP mới gỡ.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 8,5 triệu xe máy và gần 600.000 ôtô. Tuy nhiên, đường sá, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng kịp sự phát triển của lượng phương tiện tham gia giao thông.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM, trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa IX sáng 7/12. Ảnh: Phước Tuần. |
Ông Thắng đề xuất TP có thể hạn chế nhập xe gắn máy, đồng thời hạn chế tăng lượng ôtô trong khi cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp. Thành phố phải đưa ra một ngưỡng quá tải xe taxi, ôtô cá nhân là bao nhiêu.
Giải thích thêm đề xuất của mình, ông Thắng nói: "Bước phát triển sắp tới, thuế ngập khẩu giảm, ai cũng có thể mua ôtô. Cần phải có các chuyên đề, hội thảo để các nhà khoa học góp ý về vấn đề này".
Dự kiến thời gian tới, ôtô điện phát triển nên chúng ta phải có bước khác biệt so với các nước, kể cả việc phát triển xe đạp điện và sử dụng động cơ khí nén. Để đáp ứng sự phát triển giao thông, TP cần phải quy hoạch bãi giữ ôtô, quy hoạch cụm dân cư, trường học, bệnh viện... TP phải thấy trước để có những giải pháp chứ đừng để nước đến chân mới nhảy, ông Thắng nói thêm.
Trao đổi với Zing.vn, đại biểu Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết: "Muốn hạn chế nhập xe máy, ôtô thì TP cần phải đầu tư hệ thống giao thông công cộng thật tốt, đặc biệt phải sớm hoàn thành các tuyến metro. Khi hệ thống giao thông công cộng chưa tốt, người dân vẫn có thói quen dùng xe cá nhân là tất yếu. Vì vậy, muốn có lộ trình giảm xe cá nhân, theo tôi nghĩ cần phải có thời gian để thực hiện".
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố".
Theo đề án này, lộ trình hạn chế xe máy ở thủ đô theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020, Hà Nội sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ 2 ngày cuối tuần, lễ, Tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hàng ngày, đồng thời hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ các ngày trong tuần.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt...). Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3.
Đề án trên đã nhận nhiều ý kiến bức xúc, không hài lòng từ người dân.
Theo Zing