|
Một nhóm bạn trẻ tổ chức đàn hát cùng mọi người trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, |
Bởi thế quy định các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố phải thông báo đến cơ quan quản lý trước năm ngày nhiều người lo lắng họ sẽ bị làm khó.
Các thành viên của CLB Thế giới ảo thuật đã có hơn ba năm biểu diễn hoàn toàn miễn phí bên tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội) vào những ngày cuối tuần.
Hồi tháng 9-2016, khi TP.Hà Nội mở không gian phố đi bộ gồm cả các tuyến phố xung quanh hồ Gươm thì CLB kéo nhau ra khu vực gần sát hồ Gươm để phục vụ du khách.
Dù chỉ tập hợp những nghệ sĩ không chuyên, những người đang tập tành học ảo thuật nhưng lúc nào nhóm cũng được khán giả - cả khách Tây lẫn khách ta nhiệt tình đón nhận.
Nghệ thuật đường phố là phải ngẫu hứng
Nay nghe thông tin Sở VH-TT Hà Nội áp dụng nghị định 79 để quản lý hoạt động biểu diễn của nghệ thuật đường phố và phải thông báo chương trình biểu diễn trước năm ngày với Sở, Nguyễn Việt Hoàng - chủ nhiệm CLB Thế giới ảo thuật - tỏ ra băn khoăn.
“Đã là nghệ thuật đường phố thì tính ngẫu hứng nhiều hơn là một chương trình được lên sẵn. Với chúng tôi, biểu diễn ảo thuật đường phố như là một cuộc chơi. Có khi, vào một ngày nào đó trong tuần, chúng tôi ngẫu hứng rủ rê được chừng 5-6 người là kéo nhau đến phố đi bộ biểu diễn. Không có chương trình nào được sắp xếp trước cả.
Nếu bây giờ hằng tuần lại phải lên chương trình rồi báo cáo thì còn gì tính ngẫu hứng. Vả lại, chúng tôi cũng không có thời gian vì còn làm nhiều việc khác chứ đâu phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp. Quy định này đang làm khó cho người đam mê nghệ thuật” Việt Hoàng nói. Theo anh, Sở chỉ nên quy định về vấn đề an ninh trật tự nhưng cần có cách làm sao cho hợp lý.
Dù được biểu diễn theo lời mời của Ban quản lý phố cổ Hà Nội ở điểm cố định là ngã tư Mã Mây - Đào Duy Từ từ năm 2015 đến nay nhưng trưởng nhóm Sign In Trần Xuân Tùng cũng cho rằng cách quản lý đăng ký chương trình hằng tuần đối với nghệ thuật đường phố là không hợp lý vì sẽ mất đi tính ngẫu hứng - đặc trưng cơ bản của nghệ thuật đường phố.
“Đã là nghệ thuật đường phố thì không thể tránh khỏi sự ồn ào. Vì thế, nên chăng các nhà quản lý có những khảo sát từng khu vực dân cư để nắm được thị hiếu và sắp xếp cho các nhóm những vị trí biểu diễn hợp lý” Trần Xuân Tùng nói.
Ngoài ra, Trần Xuân Tùng cũng bày tỏ về câu chuyện được cho là “ngả nón xin tiền” của một số nhóm biểu diễn hiện nay: “Đây không phải là hành động “ngả nón xin tiền” vì là một việc làm rất bình thường đối với mỗi nhóm biểu diễn nghệ thuật đường phố ở bất kỳ nước nào trên thế giới. Không ai bắt buộc ai cả, khán giả nào muốn cổ vũ, ủng hộ nghệ sĩ thì bày tỏ mà thôi. Tất nhiên, để khán giả chia sẻ với điều này thì mỗi nhóm cũng cần có cách truyền tải hợp lý”.
Quy hoạch nhưng đừng làm mất vui
|
Một hoạt động nghệ thuật trên đường phố |
Nỗi lòng của những nghệ sĩ đường phố là thế. Nhưng cũng có những quan điểm khác về việc này. Đạo diễn Việt Tú chia sẻ:
“Đầu tiên dưới góc độ cá nhân của một nghệ sĩ đã từng đến rất nhiều các đô thị lớn và được trải nghiệm vô số hoạt động biểu diễn công cộng, cần phải khẳng định cho dù là một không gian công cộng thì mọi thứ cần được quản lý và quy hoạch bài bản, chứ không thể tự phát.
Trên thế giới họ có quản lý các hoạt động biểu diễn công cộng phục vụ cộng đồng hay không, xin thưa là có, vì một không gian công cộng kiểu gì vẫn phải nằm trong không gian dân sinh, mà đã như vậy thì vừa phải tôn trọng và hài hòa giữa cái chung và cái riêng chứ không thể muốn làm gì thì làm.
Phải khẳng định các không gian công cộng lớn đều có quy hoạch về: giờ biểu diễn, âm lượng, các hoạt động được phép và không được phép... Mọi thứ đều phải có quản trị và nếu hệ thống quản trị tốt, vận hành nhịp nhàng chúng ta sẽ có cảm giác mọi thứ diễn ra rất tự nhiên”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Thụ lại chia sẻ những câu chuyện khác nhau:
“Tôi có cơ hội đi nhiều nước và cũng để ý nhiều hoạt động đường phố rất thú vị của nước bạn. Ví dụ như có lần tôi đi một khu chợ ở làng quê của Pháp thì thấy có một nhóm các nghệ sĩ Morocco đàn hát ầm ĩ nhưng rất vui, cũng chẳng ai phàn nàn gì và có lẽ họ không phải xin phép gì ở đây.
Nhưng có lần ở Đức, tôi thấy một nhóm người Nga chơi kèn, vừa ra thổi đã bị cảnh sát đuổi, đành xách dép chạy.
|
Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1 - TP.HCM |
Hay ở Anh chẳng hạn, để biểu diễn dưới tàu điện ngầm, nghệ sĩ phải xin phép, thậm chí phải thi tuyển. Vượt qua kỳ thi đó thì mới được chơi ở tàu điện ngầm. Chung quy lại, ở đâu cũng vậy, những màn trình diễn nho nhỏ, vui vui có thể sẽ không cần xin phép, miễn là biểu diễn ở khu vực và khung giờ theo đúng quy định.
Còn lại những chương trình biểu diễn quy mô, náo nhiệt thì hẳn phải xin phép để đảm bảo an ninh trật tự. Mô hình mà tôi thích nhất và có ý định làm là dàn nhạc giao hưởng trẻ con trên đường phố. Quan sát ở nhiều nước, tôi biết họ đều phải xin phép cho buổi diễn với khoảng mười mấy trẻ tham gia”.
Nhạc sĩ Dương Thụ ủng hộ việc cần có quản lý để bảo đảm an ninh trật tự. Tuy nhiên ông cũng có không ít e ngại với việc đặt ra các quy định xin phép hoặc cấp giấy phép biểu diễn. “Liệu mình đặt ra chuyện xin phép có làm các hoạt động đường phố bớt vui, mất đi sự phóng khoáng, hồn nhiên vốn có của nó? Ngại nhất là đây lại trở thành một kiểu hành dân” ông bày tỏ.
Chị Phan Ngọc Diễm Hân (giám đốc Rainbow Media & Entertainment): Hồn của phố đi bộ Một điều tôi thấy khá khác biệt đó là ở nước ngoài, nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố được xem như một nghề kiếm sống thông dụng, nhất là các thành phố du lịch. Việc trả tiền cho các nghệ sĩ biểu diễn trên phố được xem là chuyện đương nhiên, không phải “xin - cho”. Còn ở mình thì bị thành kiến đó chỉ là hình thức “xin tiền” hoặc chiêu trò vô bổ của những thanh niên nghịch ngợm. Cái hồn của phố đi bộ là nghệ sĩ đường phố và ẩm thực đường phố, nếu không đủ hai yếu tố này thì không còn là phố đi bộ đúng nghĩa. Hiện nay chúng ta đã có phố đi bộ ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An... nhưng nếu không có nghệ thuật đường phố thì làm phố đi bộ ra để làm gì? |
Phố đi bộ Nguyễn Huệ là một sân khấu lớn Với tôi, phố đi bộ Nguyễn Huệ hoàn toàn có thể là một sân khấu lớn dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những bạn trẻ tài năng. Bây giờ kêu những người trẻ đó đi lòng vòng đăng ký, xin phép thì có khi họ cũng mất đi sự hứng khởi trình diễn. TP.HCM có 24 quận, huyện. Để dễ dàng và tiện lợi cho mọi người, tôi đề xuất ai muốn biểu diễn ở phố đi bộ cứ ra trung tâm văn hóa quận, huyện nơi mình sinh sống và đăng ký. Các trung tâm văn hóa quận, huyện sẽ sàng lọc những tiết mục hay, phù hợp và gửi lên Trung tâm Văn hóa TP để làm lịch biểu diễn. Như vậy, đây không phải là xin phép hay cấp phép mà là các trung tâm văn hóa sẽ cùng làm công tác tổ chức để quận, huyện nào cũng có cơ hội giới thiệu những nghệ sĩ đường phố tài năng của mình. Ông Lê Hữu Luận (giám đốc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và điện ảnh) |
Theo TTO