|
Nghề thuyền viên đi tàu viễn dương Vosco là niềm mơ ước của nhiều người thời bao cấp vì có thể buôn hàng hóa kiếm tiền. |
Vốn là thủy thủ trên tàu Vosco gần 20 năm đi tuyến Đông Nam Á, Bắc Á, ông Trương Tấn Quyền (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) kể lại, những năm 70-80, Việt Nam trải qua thời bao cấp nên hàng hóa khan hiếm. Thủy thủ tàu viễn dương có điều kiện ra nước ngoài thường buôn đủ loại đồ, từ mì chính, xà phòng đến tivi đen trắng, tủ lạnh, xe máy, máy giặt, máy khâu, quạt điện... Tất cả đều là hàng cũ thải loại ở các bãi rác của Nhật Bản, Hong Kong hay Singapore song vẫn được người dân trong nước ưa chuộng.
Hàng cũ như quạt, tivi, xe máy người Nhật bỏ đi, vứt đầy trong các bãi tập kết rác. Khi tàu cập bến các thành phố ở Nhật Bản, ông Quyền và các thủy thủ thường đến các bãi đồ cũ để gom. Có chiếc xe máy cũ, tivi phải mua giá 100-200 USD song nhiều đồ phế thải chủ nhân cho không vì đỡ phải dọn. Họ còn viết giấy xác nhận không phải hàng ăn cắp để thuyền viên có thể mang xuống tàu mà không bị bắt.
"Thủy thủ thường được phép mang hàng từ nước ngoài về nhưng trong giới hạn cho phép khoảng 100-200 USD tùy theo chuyến đi và phải khai báo để đóng thuế, số tiền này tương ứng mua được một chiếc xe máy cũ", ông Quyền nhớ lại và bảo thực tế thủy thủ thường mua số hàng hóa gấp cả chục lần.
Xuống tàu, xe máy cũ, xe đạp, được tháo rời linh kiện giấu diếm mỗi nơi một ít dưới các kiện hàng. Mì chính, xà phòng, quần áo ngoại... được vùi vào các vali. "Chúng tôi thường tìm đủ mọi ngóc ngách trên tàu để giấu hàng. Giấu kỹ song lực lượng hải quan vẫn dễ dàng tìm thấy vì họ cũng nắm rõ ngóc ngách trên tàu. Thấy số hàng nhỏ thì họ bỏ qua, còn thấy số lượng lớn thì tịch thu hết. Có những chuyến tôi mang về 3-4 cái xe máy bị thu hết. Tâm thế của thủy thủ là lúc nào cũng có thể bị mất hàng", ông Quyền kể.
Tàu cập bến là đám phe chợ Sắt (Hải Phòng) đã chờ sẵn để lấy hàng. Mỗi xe máy cũ mua gốc giá 200 USD, mang về nước thường bán lãi được 300-400 USD. Tương tự, các thiết bị điện tử như tivi, cassette, bàn là... cũng lãi cao nên được các thuyền viên buôn nhiều nhất.
Nhớ về những ngày "hoàng kim", ông Quyền chia sẻ, ngày đó nghề thuyền viên đi tàu viễn dương Vosco là niềm mơ ước của nhiều người vì kiếm nhiều tiền nhất xã hội, được nhiều cô gái coi là tiêu chuẩn kén chồng.
Dấu hiệu nhận biết một anh thủy thủ tàu viễn dương là đeo đồng hồ Seiko, đi xe máy Honda, dùng nước hoa, tiêu tiền rất hào phóng. Tuy nhiên, đằng sau "ánh hào quang" đó là chuỗi ngày lênh đênh trên biển, cực khổ tìm hàng và khuân vác hàng ở xứ người và nỗi chua xót mỗi khi hàng bị tịch thu.
"Kiếm nhiều tiền, chúng tôi cũng tiêu rất nhanh vì phải tiêu cho xứng với danh hiệu thủy thủ tàu viễn dương. Chỉ cần nghỉ ở nhà vài tháng là chúng tôi lại nghèo như mọi người", ông Quyền cười nói.
"Đưa các cháu lên bờ" Nhắc đến nghề thủy thủ tàu viễn dương thời bao cấp, ông Nguyễn Đình Hương (nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương) nhớ đến một kỷ niệm nhỏ về lãnh đạo Lê Đức Thọ. Ông Lê Đức Thọ được Đảng giao phụ trách lĩnh vực tổ chức cán bộ. Hay tin con trai hai cán bộ cấp cao làm ở tàu viễn dương, ông Thọ giao cho thư ký truyền đạt ý kiến của mình là “đưa các cháu lên bờ” để gìn giữ uy tín cán bộ và lòng tin của dân. Sau đó cứ một tháng, ông lại cho kiểm tra xem yêu cầu đã được thực hiện chưa. |
Liên lạc với đầu mối chủ hàng là người Việt ở nước ngoài, ông Hùng thường gom quần áo, xà phòng, đồ điện tử, đồ cũ đưa xuống tàu mang về nước. "Thời đó việc buôn bán của công chức bị cấm, nhiều bạn bè của tôi đã phải đi tù, bị đuổi ra khỏi ngành. Về sau, chúng tôi phải làm luật với những cán bộ hải quan để đưa hàng về nước trót lọt", ông Hùng nói.
Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, ông Hùng chia sẻ: "Lương của một thượng úy đi tàu mỗi tháng chỉ đủ trả 2 bữa ăn nhậu với bạn bè. Ai cũng nghèo như nhau nên muốn kiếm thêm tiền nuôi gia đình, cải thiện thu nhập thì chúng tôi phải nghĩ đủ cách buôn lậu". Mới đây, ông Hùng đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia một số hiện vật thời bao cấp mà ông mua được từ nước ngoài như đài cassette, đầu máy video chạy băng, quạt bàn...
Những năm 80 của thế kỷ trước, chợ Giời (phố Huế, Hà Nội) là điểm giao dịch mua bán hàng hóa nước ngoài do thuyền viên, du học sinh đưa về hay những hàng mậu dịch được tuồn ra ngoài. Từng bán hàng ở chợ Giời thời đó, ông Nguyễn Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) kể, gia đình có người quen ở Thái Lan gửi ít quần bò, áo phông về. Thấy nhu cầu cao trong nước, ông bạo dạn bảo người quen chuyển hàng về bán.
Quần bò khi ấy là hàng độc nên mỗi chiếc bán giá tương đương cả chỉ vàng. Tuy nhiên, tự mình bán thì được giá còn dân phe mua lại giá rất rẻ. Để tự tiêu thụ hàng ở chợ Giời, ông Tuấn phải tranh thủ giờ nghỉ trưa ra chợ bán, mắt trước mắt sau canh chừng cán bộ thị trường. Ông mặc hết các áo phông và 2-3 quần bò vào người vừa để che giấu lại tiện chào hàng. Khi có người hỏi mua thì lật từng cái áo trên người cho khách xem mẫu mã và trả giá. Khi đồng ý thì hai người đưa nhau vào nhà vệ sinh thử áo, việc mua bán rất nhanh chóng.
Sau một năm bán quần áo, ông Tuấn phải bỏ nghề vì dù kiếm thêm tiền song luôn trong tâm trạng sợ bị bắt. Ngoài quần áo mặc trên người, nếu chở thêm thùng hàng từ nhà ra chợ ông phải đi vòng vèo thêm 5-6km để tránh các trạm chốt chặn của quản lý thị trường. Thấy bóng lực lượng thị trường thì phải chạy trốn thật nhanh. Họ sẽ tịch thu toàn bộ hàng nếu người bán không trình được giấy tờ chứng nhận, tem phiếu.
"Công nhân viên nhà nước không được kinh doanh nên tôi bán gì cũng phải thậm thụt, lo lắng, đành phải bỏ nghề buôn. Nhiều người bạn của tôi từng bị đuổi việc vì buôn bán vải, quần áo", ông Tuấn nói.