|
Ngư dân Yoyoy Rizol, 43 tuổi và là chủ tàu cá cỡ lớn thường tới vùng biển xung quanh Scarborough để đánh bắt, cho hãng Kyodo News biết, tất cả các tàu cá cỡ lớn, kể cả của Trung Quốc, đều bị xua đuổi khi họ đi vào khu vực rộng 336km2 trong bãi cạn này.
Trong chuyến đi cùng với phóng viên của Kyodo News và một hãng tin khác của Nhật Bản tới Scarborough, ngư dân Rizol cũng đã trình bày về tình hình xung quanh khu vực này. Ông cho biết: "Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng 'Hãy thực hiện yêu cầu chuyển tới khu vực khác đánh bắt. Đây không chỉ là yêu cầu với ngư dân Philippines, mà còn cả ngư dân Trung Quốc".
Sau đó, Rizol cho biết ông thấy ngư dân Trung Quốc cũng rời ra ngoài vùng đầm phá để đánh bắt. Ngư dân Rizol nói thêm: "Chúng tôi không gặp vấn đề gì với yêu cầu đó. Vì cá bắt trong đó cũng không khác nhiều với cá bắt ngoài này. Tình hình hiện yên ổn, chỉ hy vọng họ sẽ không xua đuổi chúng tôi khi tới Scarborough như trước".
Bãi cạn Scarborough nằm cách bờ biển phía Tây đảo Luzon của Philippines khoảng 120 hải lý, đã bị Trung Quốc chiếm đóng năm 2012 và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận khu vực giàu tài nguyên hải sản này. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) hồi tháng 7 vừa qua đã nêu rõ những ngư dân có truyền thống đánh bắt tại vùng biển này, bao gồm cả ngư dân Philippines, được phép tiếp cận Scarborough. Trung Quốc đến nay ngang ngược bác bỏ phán quyết của PCA
Trong khi đó, kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có nhiều động thái hướng tới khôi phục quan hệ với Trung Quốc, các ngư dân Philippines cũng được phép quay trở lại Bãi Scarboroug để đánh bắt.
Cuối tháng 11 vừa qua, Tổng thống Duterte đã ban hành một sắc lệnh đơn phương tuyên bố đầm phá hình tam giác bên trong Bãi cạn Scarborough là khu bảo tồn biển, cấm ngư dân của cả Philippines và Trung Quốc đánh bắt tại đây. Ngoài ra, Tổng thống Duterte cũng đề nghị Trung Quốc yêu cầu ngư dân không đánh bắt tại khu vực này.
Theo Dân Trí