Sáng 15/12, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo thành phố đã thống nhất chủ trương đầu tư làm hầm vượt sông Hàn. "Vài ngày tới chúng tôi sẽ họp chọn phương án làm hầm", ông Trung nói.
Chủ trương làm hầm vượt sông Hàn cũng được Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn thông báo tại kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố diễn ra tuần trước.
Phương án làm hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (Bộ Giao thông vận tải) |
Trao đổi với APV, PGS.TS Hoàng Phương Hoa, Trưởng Bộ môn Cầu - Hầm (Đại học Bách khoa Đà Nẵng), thành viên ban giám khảo cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc công trình vượt sông Hàn, cho biết đã nhận được thông báo của thành phố không có phương án nào đoạt giải.
Theo ông Hoa, lãnh đạo thành phố thiên về làm hầm vì muốn giữ lại mặt sông rộng rãi dài 2,5km còn lại trên sông Hàn, đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu quay để phục vụ cho các cuộc đua thuyền, lễ hội pháo hoa. Phương án hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (Bộ Giao thông Vận tải) liên danh với Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) không được chọn do đường dẫn vào hầm quá dốc, xe cộ đi lại không đảm bảo. Riêng vị trí dự kiến làm hầm vẫn giữ nguyên, từ cuối đường Đống Đa sang phía đường Trần Hưng Đạo.
Miệng hầm phía bờ Tây theo thiết kế của BRITEC. |
"Giải pháp làm hầm cần tính toán độ an toàn cho phù hợp, gộp những ưu thế của nhiều phương án tại cuộc thi. Thành phố cần chỉnh trang đô thị để làm một công trình bền vững và sẽ phải chấp nhận giải tỏa đền bù vì cần diện tích đất đủ rộng làm hầm vượt sông Hàn, khớp nối với các tuyến metro trong tương lai", ông Hòa nói.
Cùng là thành viên ban giám khảo cuộc thi, kiến trúc sư Hoàng Quang Huy, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng chủ trương xây hầm vượt sông Hàn là phù hợp, vì với khoảng cách 6km từ cầu Thuận Phước về phía sông Cẩm Lệ như hiện nay đã có tới 6 cầu nổi, bình quân mỗi cầu cách nhau 1,2km, không nên làm thêm cầu vì sẽ rối.
"Thành phố cũng đã có nhiều cầu là biểu tượng của Đà Nẵng. Giờ muốn xây thêm cầu làm biểu tượng mới thì không ổn, chưa kể đến việc làm cầu không đẹp sẽ gây lộn xộn", ông Huy nói và cho rằng Đà Nẵng có dòng sông Hàn nối với cảng biển nên nhất thiết tàu bè du lịch phải nhộn nhịp mới mang lại nét đặc trưng. Việc xây quá nhiều cầu sẽ cản trở việc tàu thuyền chạy trên sông Hàn.
Nếu làm hầm qua sông Hàn, Đà Nẵng sẽ là địa phương đầu tiên ở miền Trung có công trình này. |
Nếu làm hầm vượt sông Hàn cần tổ chức các lối lên xuống hai đầu cho thật tốt. Phương án hầm duy nhất tại cuộc thi vừa qua bộc lộ nhiều khiếm khuyết, như lối lên xuống, kinh phí duy tu bảo dưỡng. Nhưng do là phương án duy nhất nên có thể ưu tiên cho công ty tiếp tục hoàn thiện thiết kế trình lãnh đạo thành phố.
"Nếu Đà Nẵng làm được hầm vượt sông Hàn thì sẽ là địa phương đầu tiên ở miền Trung, tạo thêm điểm đến cho du khách", ông Huy nói và cho hay TP.Đà Nẵng từng cử 2 đoàn công tác vào TP.HCM khảo sát, tìm hiểu cách làm hầm Thủ Thiêm.
"Làm hầm vượt sông thì không có mố cầu, tải trọng sẽ phân đều trên nền hầm, nên nền địa chất cát như sông Hàn thuận lợi hơn so với nền bùn của sông Sài Gòn. Nhưng không được chủ quan, phải khoan đo địa chất cẩn trọng trước khi làm. Việc thi công cũng phải chọn vật liệu và nhà thầu tốt nhất để đảm bảo tính bền vững", ông Huy đề xuất.
Hiện Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn. Ý tưởng đoạt giải nhất sẽ được nhận 50.000 USD.
Trước đó cuối tháng 9, UBND TP.Đà Nẵng phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tổ chức cuộc thi tuyển chọn phương án kiến trúc cho công trình vượt sông Hàn. 11 đơn vị hợp thành 6 liên danh đề xuất 7 phương án. Trong đó có duy nhất một đề xuất làm hầm chui, còn lại chọn cầu nổi với kiến trúc độc đáo. Phương án hầm của Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm (BRITEC -Bộ Giao thông Vận tải) liên danh với Oriental Consultants Global Company LTD (Nhật Bản) với ý tưởng làm hầm chui dài hơn 1.300m, có thêm điểm nhấn là các nút giao thông khác mức và đường gom phía bờ Tây. Tổng mức đầu tư dự án 4.100 tỷ đồng, chi phí vận hành 26,4 tỷ đồng/năm. |
Theo VNE