“Phạm Công Danh cố tình đổ lỗi cho Đà Nẵng để chạy tội” (?)

Thứ bảy, 07/01/2017, 12:16
“Chính sách thu hút đầu tư của Đà Nẵng là thông thoáng, cũng bởi vì sự thông thoáng này mà họ (tức những lãnh đạo tập đoàn Thiên Thanh đang hầu tòa – PV) lợi dụng để làm điều sai trái. Giờ họ đổ trách nhiệm cho thành phố hòng chạy tội”.

Tập đoàn Thiên Thanh ở SVĐ Chi Lăng.

Ông Nguyễn Điểu – nguyên Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng phản ứng khi Phạm Công Danh đổ trách nhiệm cho Đà Nẵng tại phiên xử đại án VNCB hôm qua 6/1.

Cần nói thêm, ông Nguyễn Điểu vừa nghỉ hưu từ 7/2016, ông làm Giám đốc Sở TNMT một thời gian dài, trong đó có giai đoạn diễn ra đầu tư dự án khu phức hợp SVĐ Chi Lăng.

Là cán bộ đứng đầu Sở chuyên môn về đất đai, ông Nguyễn Điểu hiểu rất rõ nội tình cũng như từng giai đoạn phân kỳ đầu tư của dự án khu phức hợp thương mại SVĐ Chi Lăng (gọi tắt là dự án SVĐ Chi Lăng), vì thế, trả lời PV, ông khá bức xúc với những gì mà ông Phạm Công Danh nói tại tòa.

Theo ông Nguyễn Điểu, giờ là giai đoạn cuối của vụ án rồi rồi. Họ đổ trách nhiệm cho thành phố để chạy tội. Bản chất vấn đề là họ sai quá rồi. Thành phố lúc đó thông thoáng quá, có một dự án lớn đầu tư về thành phố nên lúc đó Đà Nẵng cũng có dễ dãi. Nhưng mà họ lại lợi dụng sự dễ dãi này để mưu đồ riêng.

Mặt tiền SVĐ Chi Lăng ở đường Ngô Gia Tự là nơi cho thuê cắt gạch và điểm tập kết thùng rác.

“Ông Danh nói Thiên Thanh dành ra 3 ngàn tỷ để giải phóng mặt bằng, đền bù là không đúng. Làm gì có, thành phố đền bù hết chứ ổng đền bù cái gì. Thành phố đập bỏ nhà máy nước, đập phá trường Phan Chu Trinh, Sở Kế hoạch Đầu tư, Công ty cấp nước, Ban nghĩa trang… để dành đất tái định cư cho các hộ dân. Các vị trí này toàn đất vàng. Những trụ sở này mà để đến bây giờ bán cũng hơn cả ngàn tỷ rồi” – ông Điểu nói.

PV  hỏi tiếp: “Tại thời điểm đó, thành phố cho phép Thiên Thanh xẻ Sân vận động Chi Lăng ra 14 lô đất, rồi cấp sổ. Việc này có đúng không và vì sao phải làm thế?”.

Ông Điểu khẳng định: “Sai hoàn toàn! Dự án này là một khu phức hợp thương mại và dịch vụ của SVĐ Chi Lăng. Trong này cơ cấu có nhà ở, tức là chung cư, căn hộ cao cấp. Làm gì có chuyện chia lô. Chẳng qua sau khi được phê duyệt dự án, họ chia lô ra để vay ngân hàng, huy động vốn. Thành phố cũng bị nhầm lẫn cái đó rồi cho nó chia lô chứ thực tế là sai. Một dự án làm sao chia được? Chia ra như vậy thì bản thân những lô đất này không có giá trị. Nó chỉ có giá trị khi gắn liền một khối”.

Ông Nguyễn Điểu cũng giải thích thêm, tại thời điểm đó, với chính sách thông thoáng cùng với cái tâm của lãnh đạo Đà Nẵng nên Thiên Thanh được phép chia ra để huy động vốn.

Phối cảnh khu phức hợp thương mại – dịch vụ Thiên Thanh ở SVĐ Chi Lăng (ảnh từ trang web Tập đoàn Thiên Thanh).

“Cái dễ dãi của Đà Nẵng là chỗ đó. Tuy nhiên, trước điều kiện vốn liếng, hoàn cảnh của doanh nghiệp như thế, bắt buộc họ phải cắt ra để mỗi đơn vị thành viên huy động vốn. Để một dự án lớn như thế không thể huy động được. Thành phố thấy như vậy thì cũng hợp lý thôi vì đó là quy hoạch mà”, nguyên lãnh đạo Sở TNMT nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Điểu khẳng định, câu chuyện này có trách nhiệm lớn của ngân hàng vì đã để Thiên Thanh thế chấp vượt quá giá trị thực tế, nâng khống giá trị. Về việc ông Phạm Công Danh muốn bán SVĐ Chi Lăng giá trên 5.000 tỷ đồng để khắc phục, ông Nguyễn Điểu cho rằng, cố lắm và được quy hoạch tốt, chia lô đất ở kèm dịch vụ thương mại, SVĐ Chi Lăng hiện nay chỉ bán được 3.000 tỷ đồng.    

Trong khi đó, một lãnh đạo thành phố cho hay, hiện Đà Nẵng đang chờ thông tin, kết quả từ tòa, chưa có bình luận gì vì vụ án chưa đi đến hồi kết.

Năm 2010, SVĐ Chi Lăng được UBND TP Đà Nẵng bán cho tập đoàn Thiên Thanh. Khu đất gần 5,5 héc ta này được bán với giá 25,3 triệu/m3 (giá thị trường thời điểm đó khoảng 60 – 70 triệu/m2).

Dự định của tập đoàn này là sẽ biến mảnh đất có 4 mặt tiền, gồm: Ngô Gia Tự, Chi Lăng, Lê Duẩn và Hùng Vương này thành một khu phức hợp cao tầng. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, SVĐ Chi Lăng vẫn như cũ, chưa có một động thái nào cho thấy Thiên Thanh khởi động dự án, ngoài một khu nhà làm việc và một cánh cổng in dòng chữ Tập đoàn Thiên Thanh ở đường Chi Lăng.

Một số hạng mục bị bỏ hoang thì đa số phần còn lại của SVĐ Chi Lăng được Tập đoàn Thiên Thanh cho thuê lại. Hiện nay, SVĐ Chi Lăng rơi vào tình trạng nhếch nhác ở cả trong lẫn ngoài. Đặc biệt ở mặt tiền Ngô Gia Tự, ngay tại cổng số 6, gần ngã ba Lê Duẩn, sau khi nhà vệ sinh thành phố dời đi, nơi đây lại trở thành điểm tập kết thùng rác và cho một tư nhân cắt gạch, gây ồn ào suốt cả ngày. Phía trong, nơi sát sau dãy nhà dân ở đường Lê Duẩn, cỏ mọc um tùm, hoang dại và trở thành nơi để phế liệu, sắt thép.

Được biết, để bàn giao đất sạch ở SVĐ Chi Lăng, Đà Nẵng đã giải tỏa 70 hộ dân và doanh nghiệp trên các tuyến đường xung quanh SVĐ. Đa phần các hộ đồng tình bởi được bố trị những lô đất tại các đường như Ngô Gia Tư, Nguyễn Chí Thanh, Hải Phòng (nối dài, đất cũ của trường THPT Phan Chu Trinh) nhưng một số hộ khác vẫn chưa thỏa mãn, gây nên khiếu kiện kéo dài cho đến nay.

Trên trang web của Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu khá hoành tráng: Khu Phức Hợp TM – DV Thiên Thanh Đà Nẵng được Tập Đoàn Thiên Thanh đầu tư với tổng vốn dự kiến khoảng 750 triệu USD và đưa vào khai thác trong năm 2016 bao gồm: Khu Thương Mại – Dịch Vụ, Bệnh Viện, Trường học, Trung tâm tổ chức hội nghị,  Khách sạn và văn phòng cho thuê đạt tiêu chuẩn quốc tế… nhằm đáp ứng nhu cầu thu hút các nhà đầu tư và góp phần vào công cuộc xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị phát triển và năng động mang tâm cỡ quốc tế và khu vực.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn