Ông Trump có thể theo đuổi chính sách xoay trục riêng

Thứ ba, 10/01/2017, 09:28
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, có nhiều lo ngại rằng chính quyền tiếp theo của Mỹ sẽ bớt quan tâm châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng rồi có những tín hiệu cho thấy, đội chuyển giao quyền lực của ông Trump đang chuẩn bị một chính sách xoay trục sang châu Á của riêng họ.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) ở New York ngày 17/11/2016.

Những thảo luận công khai về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump tập trung vào chủ nghĩa khủng bố và quan hệ của Mỹ với Nga. Và từ khi đắc cử, ông chưa bổ nhiệm người nào có chuyên môn sâu về châu Á cho các vị trí cấp cao trong chính quyền. Điều đó khiến các đồng minh châu Á của Mỹ lo lắng không biết khu vực này sẽ đứng ở đâu trong các ưu tiên của Nhà Trắng trong 4 năm tới.

Sẽ có quan điểm diều hâu với Trung Quốc

Tuy nhiên, phía sau hậu trường, đội chuyển giao quyền lực của ông Trump đang chuẩn bị một chính sách xoay trục sang châu Á của riêng họ. Trong khi chính sách đó đang định hình, có vẻ chính quyền mới sẽ không những tiếp thu quan điểm của các chính quyền Cộng hòa trước đây mà còn tìm cách hiện thực hóa tham vọng của chính quyền của Tổng thống Barack Obama về việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giới quan sát nhận định.

Các thành viên trong nhóm chuyển giao của ông Trump cho biết, chính quyền mới sẽ có quan điểm diều hâu đối với Trung Quốc, tập trung vào việc tăng cường các quan hệ đồng minh khu vực, thúc đẩy lợi ích với Đài Loan, hoài nghi trong xử lý các vấn đề Triều Tiên và gia tăng hiện diện của các hạm đội Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.

Có những dấu hiệu cho thấy châu Á sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới. Trong nhiều cuộc họp với các thượng nghị sĩ Mỹ những ngày gần đây, ông Rex Tillerson, ứng viên được ông Trump chọn cho vị trí Ngoại trưởng, đã nói lên quan ngại về Trung Quốc. Những người dự họp cho biết, ông Tillerson có quan điểm rất rõ ràng về điều ông coi là cần thiết phải đối phó việc Trung Quốc quân sự hóa và mở rộng các thực thể địa lý trên Biển Đông.

Các nguồn tin từ đội chuyển giao quyền lực cũng tiết lộ, ông Stephen Bannon, chiến lược gia trưởng của ông Trump, là người rất quan tâm chiến lược châu Á. Là cựu quan chức Hải quân thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, ông Bannon và các quan chức hàng đầu của ông Trump tin rằng, chiến lược xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama phần lớn thất bại vì chi phí quân sự không đủ, khiến Mỹ không thể gia tăng sức mạnh quân sự ở khu vực.

Có thể hoàn thành chiến lược ông Obama khởi xướng

Ông Trump bổ nhiệm nhân sự ở cấp đại sứ đến châu Á với tốc độ nhanh hơn so với các khu vực khác. Các nguồn tin từ nhóm chuyển giao quyền lực cho biết, ông Trump sắp chọn ông Ashley Tellis, cựu quan chức Nhà Trắng và là một chuyên gia nổi tiếng về Ấn Độ, làm tân đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Còn vị trí đại sứ tại Trung Quốc được trao cho Thống đốc bang Iowa Terry Branstad.

Các quan chức Nhật Bản có thể không vui trước việc ông Trump định chọn doanh nhân William Hagerty làm đại sứ tại Tokyo. Nhưng chính phủ Nhật Bản có thể cảm thấy được tôn trọng khi Thủ tướng Shinzo Abe là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên được ông Trump tiếp sau khi đắc cử, các nhà phân tích nhận định.

Nhóm chuyển giao của ông Trump cũng đang bận rộn tìm nốt các vị trí liên quan châu Á trong bộ máy an ninh quốc gia. Ông Matt Pottinger dự kiến được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia phụ trách châu Á. Dù kinh nghiệm gần đây của ông Pottinger là về Afghanistan nhưng ông từng làm việc nhiều năm ở Trung Quốc khi còn là nhà báo.

Theo giới quan sát, vì số lượng nhân sự của Hội đồng An ninh quốc gia sẽ giảm đi, nên các trợ lý Bộ trưởng phụ trách châu Á tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt chính sách châu Á của ông Trump. Nhóm chuyển giao đang xem xét chọn các quan chức trong chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush cho 2 vị trí, bao gồm cựu phó trợ lý ngoại trưởng Randall Schriver và cựu quan chức phụ trách châu Á của Nhà Trắng Victor Cha.

Có nhiều lý do để tin rằng, chính quyền Donald Trump sẽ chú ý đến châu Á ngay từ những tháng đầu tiên. Theo giới quan sát, việc ông Trump bổ nhiệm ông Peter Navarro lãnh đạo Hội đồng Thương mại quốc gia là dấu hiệu cho một cuộc xung đột kinh tế với Bắc Kinh sớm muộn sẽ đến. Trung Quốc cũng có truyền thống thử lãnh đạo mới của Mỹ bằng một số hành động khiêu khích.

Chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang tiến triển nhanh chóng, và ông Trump đã cam kết sẽ ngăn cản. Nhóm trợ lý của ông đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty hỗ trợ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này có tiềm năng gây thêm xung đột với Trung Quốc.

“Điều cần thiết là chính quyền Trump phải tập trung vào châu Á vì các sự kiện sẽ thúc đẩy điều đó. Chúng ta không có lựa chọn”, ông Dan Blumenthal, cựu quan chức phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Lầu Năm Góc, nay công tác tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định. “Về quan điểm chiến lược với các đồng minh, chúng ta sẽ phải chờ xem”, ông Blumenthal nói. Ngoài ra, việc ông Trump tập trung vào châu Á được đánh giá là sẽ trao cho ông lý do để xích lại gần Nga.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của ông Obama được kỳ vọng nhiều nhưng kết quả không như mong đợi. Giới phân tích cho rằng, nếu các thành viên trong nhóm hỗ trợ ông Trump có thể đi theo kế hoạch của họ và tránh những khủng hoảng không cần thiết, ông Trump có thể hoàn thành chiến lược xoay trục sang châu Á mà ông Obama đã khởi xướng.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn